Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định số 144-QĐ/ TƯ) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hơn lúc nào hết, vấn đề đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên cần phải được đặt lên hàng đầu để ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Sâu xa hơn, quy định này còn là sự hiện thực hóa chủ trương xây dựng Đảng về đạo đức, hợp với lòng dân.
Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc
Khi cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất thì sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị và đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và bị xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường như hiện nay, các thế lực xấu, thù địch, phản động lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để đẩy mạnh bôi xấu, xuyên tạc, tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta thì chúng ta lại càng ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
Quy định số 144-QĐ/TƯ nêu rõ 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới gồm: Một là, yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Hai là, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bốn là, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Năm là, gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Có thể nói, Quy định số 144-QĐ/TƯ thực sự là cẩm nang trong xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Sự ra đời của Quy định số 144-QĐ/TƯ chính là xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn; là ý Đảng đã hợp với lòng dân.
Quy định số 144-QĐ/TƯ đặc biệt nhấn mạnh phải tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh. Đây là sự kế thừa truyền thống của dân tộc và phát triển lên tầm cao mới trong sự nghiệp cách mạng hiện nay. Bởi “dựa vào dân”, “lấy dân làm gốc” là bài học kinh nghiệm quý được đúc kết từ suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.
Khi trả lời vua Anh Tông, Trần Quốc Tuấn đã chỉ rõ: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”[1]. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền”, “Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[2]. Quy định số 144-QĐ/TƯ nhấn mạnh nội dung này cho thấy, Đảng ta luôn kế thừa sâu sắc truyền thống của dân tộc, chắt lọc tinh hoa của nhân loại, nâng lên tầm cao mới phù hợp với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Quy định số 144-QĐ/TƯ tiếp tục nhấn mạnh phải luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải lấy những nội dung trong chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức của người cách mạng làm nền tảng tư tưởng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận để xây dựng; có sự kế thừa những chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và được sàng lọc, kiểm chứng, còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, có sự tiếp thu, bổ sung những giá trị đạo đức mới, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của giai đoạn mới.
Ngược dòng lịch sử, ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là “gốc” của người cách mạng, bởi: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương đạo đức cách mạng; từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm sao cho dân tin, dân phục, dân yêu. Nhìn chung, đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là những phẩm chất quý báu của người cộng sản, người đảng viên chân chính tận trung với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nhân, nghĩa, trí, tín, dũng; đoàn kết, thống nhất, thân ái, giúp đỡ đồng chí, đồng bào; trung thực, thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm và có tinh thần quốc tế trong sáng.
Quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong hơn 94 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân tin tưởng giao phó.
Quán triệt thực hiện tốt Quy định số 144-QĐ/TƯ, chúng ta phải đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và đấu tranh chống lại các biểu hiện lạc hậu, trì trệ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… của cán bộ, đảng viên. Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn còn tồn tại, thậm chí có một số mặt diễn biến phức tạp hơn, là thách thức lớn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Bởi vậy, việc thực hiện tốt Quy định số 144-QĐ/TƯ là yêu cầu đặt ra cấp thiết, liều thuốc hữu hiệu để nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; trực tiếp góp phần ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bác bỏ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Để thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo Quy định số 144-QĐ/TƯ, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp. Một là, giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm. Hai là, giải pháp về cơ chế, chính sách, pháp luật. Ba là, giải pháp về công tác cán bộ, công tác đảng viên. Bốn là, giải pháp về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật. Năm là, giải pháp về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Sáu là, giải pháp về tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên... Trên cơ sở đó xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, có tư duy, khát vọng đổi mới, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, “hướng tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”[3].
Tiến sĩ Nguyễn Quang Nam
(Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng)
--------------
[1] Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb KHXH, 1993, tr.79.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr.501-502.
[3] Nguyễn Phú Trọng, Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Báo Nhân dân, ngày 1-2-2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.