Chính trị

Quy định rõ tiêu chuẩn ứng viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Đình Hiệp 12/05/2025 - 16:58

Đại biểu cho rằng cần quy định rõ tiêu chuẩn ứng cử viên (về phẩm chất, trình độ) và các trường hợp không được ứng cử để sàng lọc từ đầu.

t-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 12-5. Ảnh: Phạm Thắng

Chiều 12-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng như việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hai nội dung này liên quan mật thiết với nhau, nên có thể xây dựng chung một nghị quyết.

Đại biểu cho rằng, việc rút ngắn thời gian nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp là cần thiết để chuẩn bị kỹ hơn cho cuộc bầu cử khóa XVI, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

“Thời gian từ khi nộp hồ sơ đến khi tiến hành bầu cử được rút ngắn từ 60 xuống 42 ngày so với trước đây được xem là bước tiến lớn, thể hiện quyết tâm lớn của các đơn vị liên quan trong tinh gọn bộ máy, tiết kiệm thời gian”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.

phuong-thuy.jpg
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Theo đại biểu Đoàn Hà Nội, trong bối cảnh các địa phương tinh gọn bộ máy với chính quyền 2 cấp, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính cũng cần được áp dụng và quy định trong dự thảo Luật. Cụ thể, các địa phương có thể tổ chức hội nghị hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú được áp dụng cả hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cùng với đó, có thể sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để xác định danh sách cử tri một cách nhanh chóng. Ngoài ra, việc niêm yết danh sách người ứng cử cũng có thể làm trên môi trường trực tuyến khi ứng dụng chuyển đổi số, thay vì dán công khai ở các bảng tin như trước đây.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến quy định về khu vực bỏ phiếu. Cụ thể, dự thảo Luật đề nghị chỉnh sửa quy định về nội dung này từ UBND cấp xã xác định và UBND cấp huyện phê chuẩn chuyển sang UBND cấp xã xác định, UBND cấp tỉnh điều chỉnh.

tuan-thinh.jpg
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu cho rằng, việc bầu cử chỉ diễn ra 5 năm/lần, việc phê chuẩn khu vực bỏ phiếu là nội dung quan trọng. Trước đây, cấp trên phê chuẩn, hiện nay vẫn nên để UBND cấp tỉnh phê chuẩn để bảo đảm việc xác định khu vực bỏ phiếu chính xác.

Với đề nghị tăng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đồng ý tăng từ 9 - 11 thành 9 - 15 thành viên do các xã không thay đổi về quy mô, số lượng này là phù hợp.

Quan tâm đến chất lượng đại biểu, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi một số điều khoản nhằm nâng cao chất lượng đại biểu. Cụ thể, khoản 3 Điều 8 quy định ít nhất 35% người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ; tương tự, danh sách ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã cũng phải có tối thiểu 35% nữ. Quy định này sẽ góp phần tăng tỷ lệ nữ trúng cử, bảo đảm tính đại diện về giới.

tran-van-khai.jpg
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) phát biểu. Ảnh. V. Văn

Từ phân tích trên, đại biểu đề xuất bổ sung điều khoản đảm bảo tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ngay từ khâu ứng cử (ví dụ ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội).

Về việc nâng cao tiêu chuẩn và sàng lọc ứng viên, đại biểu cho rằng cần quy định rõ tiêu chuẩn ứng cử viên (về phẩm chất, trình độ) và các trường hợp không được ứng cử để sàng lọc từ đầu. Quy trình hiệp thương, lấy ý kiến cử tri cần minh bạch, chặt chẽ hơn, kịp thời loại bỏ những ứng viên không đủ uy tín, không xứng đáng đại diện cho nhân dân.

“Chúng ta cần chú trọng cơ cấu để tăng tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi. Hiện chỉ 9,4% đại biểu Quốc hội khóa XV là người dưới 40 tuổi. Vì thế, cần nâng tỷ lệ này nhằm bảo đảm cơ quan dân cử có tính đại diện đa dạng, phản ánh tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân”, đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định rõ tiêu chuẩn ứng viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.