(HNM) - Ngày 23-7-2010, Bộ Giáo dục - Đào tạo có văn bản hướng dẫn một số nội dung về văn bằng, chứng chỉ của giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.
Theo đó, bản chính văn bằng, chứng chỉ trong bất cứ trường hợp nào cũng không được cấp lại. Quy định này được đông đảo người dân quan tâm và có không ít ý kiến băn khoăn về những khó khăn, phức tạp khi "người trong cuộc" không may gặp trường hợp rủi ro... Báo Hànộimới trích đăng một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này:
Bà Trần Thị Vân Anh (phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân): Cơ quan thẩm quyền "bắt bí" ?
Ngay khi tiếp nhận nội dung quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi và các đồng nghiệp đã bàn luận rất nhiều. Phòng làm việc của tôi có năm người thì cả năm ý kiến đều cho rằng, quy định như thế chẳng khác nào "bắt bí" người được cấp văn bằng, chứng chỉ. Mặc dù hầu hết mọi người đều cất giữ những tài liệu này rất cẩn trọng nhưng có một điều chắc chắn là không ai biết được sẽ có những nguyên nhân nào dẫn đến việc thất lạc hoặc hư hỏng. Vì vậy không ai dám khẳng định mình sẽ giữ được những giấy tờ quan trọng đó đến cuối đời. Hỏa hoạn, thiên tai, trộm cướp, những xáo trộn lớn trong cuộc sống… đều có thể là nguyên nhân khiến văn bằng thất lạc, nhất là khi chúng ta điều kiện bảo quản cá nhân chưa tốt, trong khi các dịch vụ bảo quản công chưa phát triển. Quy định nào cũng cần tính đến yếu tố khách quan, những nguyên nhân bất khả kháng để phù hợp với điều kiện thực tế nhằm phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu chính đáng của đời sống dân sinh.
Anh Nguyễn Hoàng (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai):Việc xin cấp bản sao không hề dễ dàng...
Mặc dù theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, khi mất bản chính được cấp lại bản sao không hạn chế số lượng nhưng người có nhu cầu phải liên hệ trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền đã cấp bản chính. Tuy nhiên, quy định này khiến nhiều người có nhu cầu xin cấp bản sao gặp vô cùng khó khăn. Đó là trường hợp những người học và tốt nghiệp ở miền Bắc nhưng lại công tác ở miền Nam; những người đã được cấp văn bằng từ nhiều năm trước, khi công tác bảo quản và xử lý dữ liệu của chúng ta còn quá lạc hậu, chưa kể việc thất lạc do thiên tai, chiến tranh, nay tìm lại dữ liệu gốc đúng là không dễ, thậm chí là không thể; hay người mất cả bản chính lẫn bản sao, không còn nhớ được dữ liệu chính xác ở bản chính để xin cấp lại. Đó là chưa kể những trường hợp các cơ quan từng cấp bản chính nay đã sáp nhập, chia tách, thay đổi chức năng, nhiệm vụ… thì người được cấp văn bằng, chứng chỉ chỉ còn nước "bắc thang lên hỏi ông trời"...
Ông Nguyễn Văn Quân (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín):Bản sao lấy gì để đối chiếu?
Mặc dù đã được cấp bản sao, có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, nhưng không ít cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu đối tượng nộp cả bản chính để đối chiếu. Nếu không có bản chính, người ta có quyền nghi ngờ tính xác thực của văn bằng, chứng chỉ. Trong khi đó, không hề có một cơ quan nào được giao thẩm quyền xác nhận rằng, vì lý do thiên tai, hỏa hoạn… mà ông A, bà B đã làm thất lạc bản chính của văn bằng này, chứng chỉ nọ. Như vậy rõ ràng việc chỉ cấp lại bản sao sẽ gây khó khăn cho người được cấp, nhất là khi các thủ tục hành chính của chúng ta còn rườm rà.
Bà Lê Thị Loan (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa):Bản chính chỉ còn có
giá trị tinh thần!
Mỗi văn bằng, chứng chỉ đánh dấu một giai đoạn học tập, phấn đấu của mỗi cá nhân, thậm chí đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Nếu những niềm tự hào ấy chỉ được ghi nhận bằng những bản sao thì quả là… thiệt thòi cho "người trong cuộc". Theo tôi, bản chính mới là bản có giá trị chứng minh chân thực nhất cho kết quả học tập, nghiên cứu của cá nhân. Vì vậy mong muốn được cấp lại bản chính là nhu cầu chính đáng của người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ. Nên chăng, Bộ Giáo dục - Đào tạo có quy định "mềm" hơn khi xét cấp văn bằng, chứng chỉ cho các đối tượng?...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.