Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định làm khó cho dân

Kim Lương| 08/04/2010 07:18

(HNM) - Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Thông tư liên tịch số 09 ngày 14-8-2009 của liên bộ Y tế - Tài chính thì những trường hợp người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông (TNGT) phải được xác định là không vi phạm luật giao thông mới được cơ quan BHXH thanh toán.

Đây có thể được xem là một điểm ưu việt nhằm hạn chế tình trạng vi phạm luật giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này lại đang gây khó khăn cho những người tham gia BHYT khi việc xác định này phải do công an cấp quận, huyện thực hiện mới được công nhận để thanh toán BHYT.

Giải quyết BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Linh Tâm

Kể về những bức xúc khi phải đi xin xác nhận của cơ quan công an về các vụ việc TNGT, một lái xe buýt cho biết, một lần xe anh xảy ra va chạm giao thông, anh đến bệnh viện lo thủ tục cho người bị nạn. Oái oăm thay, mặc dù người bị nạn có thẻ BHYT nhưng bệnh viện cứ bắt anh phải đóng đủ các khoản tiền mới được khám chữa bệnh theo quy định. Theo yêu cầu của bệnh viện, anh phải quay về cơ quan công an trình báo sự việc để xin xác nhận là người bị nạn không vi phạm giao thông. Phải vất vả lắm anh mới xin được xác nhận của công an phường. Lên quận, lãnh đạo công an quận lại cho rằng, đối với những vụ TNGT chưa đến mức nghiêm trọng, chưa đến mức chết người tại chỗ thì cấp quận không tham gia điều tra mà giao hết cho công an phường và cảnh sát giao thông. Thế nên, công an quận cũng chỉ xác nhận chức danh của lãnh đạo phường mà thôi!

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo công an một quận cho rằng, việc công an quận buộc phải xác nhận cho các vụ TNGT để người bị nạn được hưởng chế độ BHYT là rất vô lý. Ngoài việc phân cấp vụ việc của ngành thì không bao giờ cấp xã, phường xác nhận rồi cấp quận lại xác nhận lại. Đây là một sự chồng chéo gây khó khăn cho người dân. Ngược lại, nếu người dân đưa đơn trực tiếp lên công an quận, huyện thì cấp huyện cũng không thể xác nhận vì cấp quận, huyện không trực tiếp thụ lý, khám nghiệm các vụ TNGT nhẹ. Đó là chưa kể đến các trường hợp người bị nạn ở vùng sâu, vùng xa. Nếu mỗi khi bị TNGT, cần xin xác nhận của quận, huyện thì có lẽ người nhà bệnh nhân phải đi cả ngày đường mới đến được cơ quan công an huyện chứ chưa nói đến việc cơ quan này đến khám nghiệm hiện trường, xác minh vụ việc. Bức xúc về vấn đề này, anh Trần Văn Thân, có người nhà phải điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn đặt câu hỏi, trong trường hợp người bị nạn tự ngã do yếu tố bất ngờ, hậu quả không đến mức nghiêm trọng thì có nhất thiết phải xin xác nhận của cơ quan công an hay không? Nếu tất cả các trường hợp TNGT đều phải có xác nhận của quận, huyện thì không khác nào bắt người dân phải nói dối, phải nhờ vả, chạy chọt.

Thực tế, nguyên nhân của các vụ TNGT chỉ có thể xác minh được khi cơ quan công an được báo và kịp thời đến, giữ nguyên hiện trường. Có rất nhiều vụ không xác định được nguyên nhân cũng như không xác định được ai đúng ai sai, do khi có tai nạn xảy ra mọi người chuyển ngay người bị tai nạn đi cấp cứu, hiện trường bị xáo trộn do để giải quyết ách tắc giao thông, do thời tiết... hoặc tai nạn xảy ra tại nơi không có người chứng kiến sẽ rất khó điều tra xác định nguyên nhân. Những trường hợp này, người bị TNGT không được pháp luật bảo vệ cũng như không được hưởng chính sách an sinh xã hội.

Rõ ràng, luật đã thể hiện tính ưu việt khi đề cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, với thực tế ở Việt Nam, việc bắt người bị TNGT phải có xác nhận của cơ quan công an cấp quận, huyện là rất vô lý và gây khó khăn cho người bệnh. Cơ chế này sẽ nảy sinh những tiêu cực từ chính các bệnh viện và cả cơ quan công an. Và khi đó chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước không phát huy được tác dụng, người gặp rủi ro không được chia sẻ khi tham gia BHYT.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định làm khó cho dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.