(HNMO) - Chiều 25-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Tài sản góp vốn hợp tác xã tương tự doanh nghiệp
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo trước đó…
Liên quan đến việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là triển khai đồng bộ với Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung về Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về việc “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, điều kiện về tổng số thành viên chính thức, số lượng thành viên hội đồng quản trị, vốn góp tối đa và điều kiện thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý quy định về tài sản góp vốn, tương tự như quy định về tài sản góp vốn tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Bổ sung một số quy định mang tính đặc thù đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định về kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo hướng khuyến khích thực hiện kiểm toán nội bộ. Đồng thời đề nghị chỉ bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà trong hoạt động tài chính tiềm ẩn rủi ro như hợp tác xã quy mô lớn, liên hiệp hợp tác xã có từ 10 thành viên trở lên…
Bảo đảm quyền lợi của thành viên hợp tác xã
Thảo luận về dự thảo Luật, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) bày tỏ quan tâm đến vấn đề tài chính của hợp tác xã. Về chuyển nhượng phần vốn góp đối với thành viên của hợp tác xã, đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ thống nhất với phương án ngoài việc ưu tiên cho thành viên hợp tác xã nhận chuyển nhượng, có thể quy định nếu thành viên hợp tác xã không nhận chuyển nhượng thì cho chuyển nhượng ra ngoài.
"Đây cũng là một điều kiện để cho hợp tác xã nâng cao chất lượng thành viên của hợp tác xã”, đại biểu Mai Văn Hải nói.
Về quy định phần vốn góp mà thành viên cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng sở hữu sau khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không vượt quá vốn góp tối đa theo quy định, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị cần quy định chặt chẽ cho cả bên bán và bên mua đều đồng ý chuyển nhượng nhưng phải bảo đảm tôn chỉ nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã. Quy định cụ thể hơn việc cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên, bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội theo phương án cho chuyển nhượng phần góp vốn ra ngoài hợp tác xã để bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.
Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên, các thành viên cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã. Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.