Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2010: Nghiêm ngặt hơn trước

Quỳnh Phạm| 02/03/2010 07:09

(HNM) - Sau khi Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010, một số quy định mới đã được Bộ lưu ý tới các thí sinh (TS) như đối tượng thi, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, lệ phí thi... Ngoài ra, quy chế mới và các quy định liên quan cũng cho thấy Bộ GD-ĐT tỏ ra nghiêm ngặt hơn trong việc tổ chức thi cũng như siết chặt kỷ luật hơn trong xử lý vi phạm của các trường và TS...

Đề không quá khó, phòng không quá đông

Trong những mùa tuyển sinh vừa qua, do lượng TS ảo lớn nên các hội đồng thi khó có thể lường được số TS thực tế trong một phòng thi. Cũng do không có quy định thống nhất khống chế số lượng nên để tránh lãng phí, các trường tùy theo kinh nghiệm của mình đều sắp xếp phòng thi với số chỗ được “trừ hao” để không có quá nhiều chỗ trống. Sự lo xa này nhiều khi dẫn đến việc có những phòng thi có số TS quá đông, khó bảo đảm kỷ luật phòng thi. Nhằm hạn chế tình trạng nói trên, Quy chế tuyển sinh năm 2010 đã có quy định mới bắt buộc các hội đồng thi xếp tối đa không quá 40 thí sinh mỗi phòng thi. Bên cạnh đó, Quy chế cũng nêu rõ: Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ phải đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Đề thi sẽ không nằm ngoài và vượt chương trình trung học, không thuộc những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm. Nội dung của đề cũng không ra vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. “Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp”, Quy chế ghi rõ.

Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010 sẽ được tổ chức nghiêm ngặt hơn, kỷ luật hơn. Ảnh: Viết Thành

Kể từ khi trong Quy chế có thêm quy định liên quan tới “điểm sàn” và “điểm tối thiểu”, Bộ yêu cầu các trường in giấy chứng nhận kết quả thi ĐH cho những TS không trúng tuyển nhưng có kết quả thi CĐ bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu theo quy định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để các TS tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.

Việc xác định điểm trúng tuyển cũng có những thay đổi. Cụ thể là các trường xây dựng điểm trúng tuyển chung theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo. Điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng được xác định theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng. Không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt (trường có điểm trúng tuyển NV1 cao; trường đóng tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; một số ngành nghề khó tuyển sinh) do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét quyết định.

Tăng cường xử lý vi phạm

Cũng theo quy chế mới này, cả cán bộ coi thi lẫn TS đều phải chú ý tới những quy định xử lý kỷ luật khắt khe hơn. Quy chế mới áp dụng mức xử lý kỷ luật cao nhất buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật đối với cán bộ đưa đề thi ra ngoài khu vực thi, hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi, làm lộ đề thi, mua, bán đề thi, làm lộ số phách bài thi, sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của TS, chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong sổ điểm, đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của TS, gian dối trong việc xét tuyển và triệu tập TS trúng tuyển. Mức kỷ luật nhẹ nhất là khiển trách đối với những người phạm lỗi nhẹ trong khi thi hành nhiệm vụ và cảnh cáo đối với những người vi phạm một trong các lỗi như để cho TS tự do quay cóp, mang và sử dụng tài liệu hoặc các phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm... tại phòng thi; bị cán bộ giám sát phòng thi hoặc cán bộ thanh tra tuyển sinh phát hiện và lập biên bản; chấm thi hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót. Tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác (nếu là cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan doanh nghiệp nhà nước), buộc thôi học (nếu là sinh viên đi coi thi) đối với những người vi phạm một trong các lỗi ra đề thi sai, trực tiếp giải bài rồi hướng dẫn cho TS lúc đang thi...

TS chỉ cần viết, vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi là bị đình chỉ thi. TS bị hủy bỏ kết quả thi nếu nhờ người khác thi hộ hoặc làm bài hộ cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.

Đặc biệt, từ 2 năm nay, Bộ GD-ĐT đã có thêm quy định xử lý đối tượng sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp. Đó là hình thức gian lận mới xuất hiện trong một vài năm gần đây. Nhiều trường ĐH đã phát hiện TS đăng ký xét tuyển bằng giấy chứng nhận kết quả giả mạo bằng nhiều cách: scan, photocopy rồi làm con dấu giả... Hành vi gian lận này bị xếp cùng hình thức kỷ luật với các hành vi khác như giả mạo hồ sơ để hưởng chính sách ưu tiên, sử dụng văn bằng tốt nghiệp không hợp pháp, nhờ người khác thi hộ, làm bài hộ; có hành động phá hoại kỳ thi, hành hung cán bộ hoặc TS khác. Các đối tượng vi phạm sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2010: Nghiêm ngặt hơn trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.