Thời gian gần đây, một số phụ nữ Việt Nam liên tục bị các đối tượng lừa đảo sử dụng nick là người nước ngoài kết bạn, làm quen rồi tỏ tình, gửi quà “ảo” nhằm “câu mồi” chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý nhất là những kẻ lừa đảo đã thuê người trong nước mở tài khoản tại ngân hàng, sau đó mua lại thông tin tài khoản để thực hiện ý đồ đen tối.
Ai lừa ai?
Nạn nhân trong vụ việc này là chị Nguyễn Thị M (40 tuổi, ngụ ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Tháng 10/2015, vừa mở facebook, chị M. thấy có một tài khoản tên Edward Archie gửi lời mời kết bạn.
Vừa tò mò, vừa thích thú, chị liền nhấp nút đồng ý. Khi vào trang cá nhân của anh ta, chị càng tự tin khi thấy ảnh avarta của chàng trai tây này khá đẹp trai. Không lâu sau đó, người bạn mới này liên tục nhắn tin bằng tiếng Anh với chị.
Do không có nhiều vốn từ nên chị M. đành phải sử dụng phần mềm Google để dịch đồng thời trả lời Edward Archie. Là phụ nữ đã lập gia đình nên chị M. cũng không ngần ngại cho chồng biết về người bạn này. Nghĩ vợ muốn trau dồi thêm tiếng Anh nên chồng chị M. cũng không ngăn cấm.
Qua nhiều lần trò chuyện, chị M. được Edward Archie cho biết anh ta là một doanh nhân sống tại Anh, đã ly hôn vợ và đang nuôi con gái nhỏ. Gã tỉ tê muốn tìm một người phụ nữ để cùng nhau vun vén gia đình và chăm sóc con.
Edward Archie tâm sự rằng rất thích phụ nữ Việt Nam bởi đức tính dịu dàng, biết lo cho gia đình. Nghe đến đây, chị M. nảy sinh ý định “đùa giỡn” chàng trai Tây này. Thế là, chị bịa ra hoàn cảnh “bà mẹ đơn thân” khá mùi mẫn. Cả hai bên như tìm được tiếng nói chung. Một ngày đẹp trời, Edward Archie đã gửi lời tỏ tình với chị M. và cho biết sẽ sớm thu xếp sang Việt Nam và tính đến chuyện lâu dài.
Ngày 5/12/2015, Edward Archie nhắn tin cho chị M. thông báo đã gửi cho chị một thùng quà toàn đồ hiệu thông qua một công ty dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, trong đó anh ta nói rõ việc “giấu” một khoản tiền lớn để tiện cho việc chi tiêu khi sang Việt Nam vì khi xuất cảnh chỉ được mang theo một khoản ngoại tệ nhất định.
Gã trai Tây cho biết hàng chuyển theo đường hàng không nên khoảng 2 ngày sau sẽ đến Việt Nam. Trước mắt, Edward Archie nhờ chị M. đứng ra làm các thủ tục để nhận thùng quà. Toàn bộ số hàng hiệu là của chị M., còn khi nào sang Việt Nam anh ta sẽ nhận lại tiền.
Ngay khi nhận tin nhắn, chị M. cười lớn và khoe với chồng: “Thằng tây này rõ ngu, vợ chồng mình lừa nó một vố mới được”. Dù được chồng chị khuyên can nhưng chị M. nhất định bỏ ngoài tai.
Hai ngày sau, một đối tượng nữ gọi điện cho chị M., tự xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh tại TPHCM. Cô ta cho biết hiện thùng hàng gồm toàn hàng hiệu như quần áo, túi xách, giày dép phụ nữ,… trị giá cả trăm triệu đồng được gởi từ Anh đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, muốn nhận hàng, chị M. phải nộp 2 ngàn USD tiền thuế.
Theo đó, cô này còn hướng dẫn chị M. nộp tiền vào một tài khoản mang tên Phạm Thị L. Khi nghĩ đến những món quà đắt tiền hơn gấp bội phần, chị M. liền đến ngân hàng gửi ngay tiền để sớm nhận hàng.
Chiều cùng ngày, chị M. nhận được điện thoại của nhân viên công ty chuyển phát nhanh với nội dung: qua soi chiếu, hải quan sân bay phát hiện trong thùng quà của Edward Archie có cất giấu 70 ngàn USD.
Theo quy định, người nhận phải nộp phạt 10% tương đương 7 ngàn USD mới nhận được toàn bộ số tiền, nếu không hải quan sẽ tịch thu. Chuyện lần này, chị giấu nhẹm chồng để đi vay mượn người thân. Ngày hôm sau, chị gửi tiếp số tiền yêu cầu vào tài khoản mang tên Ngô Hoàng.
Biết gặp phải “con mồi” lớn, ngày 9/12, nhân viên chuyển phát nhanh lại gọi điện thông báo hải quan tiếp tục phát hiện thêm trong thùng hàng còn có 50 ngàn bảng Anh, do vậy chị M. phải nộp 10% số tiền này.
Lần này kĩ tính hơn, chị M. chat với Edward Archie xác minh tình hình thì được anh ta khẳng định có “giấu” số tiền này trong kiện hàng. Gã còn động viên chị M. cứ ứng tiền nộp phạt trước, khi nào nhận hàng sẽ trừ khoản “tạm ứng” này.
Thế là, chị M. lại lặn lội ra ngân hàng chuyển tiền nhưng “trò chơi” vẫn chưa dừng lại. Một nhân viên lại gọi điện đến đề nghị chị đóng thêm 15 ngàn USD “phí bảo hiểm”, nếu muốn nhận hàng sớm.
Dù không còn tiền nộp nhưng “trót đâm lao phải theo lao”, chị lại vay thêm 7.500 USD gởi vào tài khoản vào sáng 10/12. Thế nhưng, sau đó, nhân viên chuyển phát nhanh lại viện thêm lý do để yêu cầu chị phải nộp đủ tiền. Đến nước này, chị M. mới sực tỉnh nên liền lên mạng tìm hiểu thông tin. Chị chết lặng khi thấy nhiều thông tin về các vụ “quý bà” mắc bẫy trai tây trên mạng với thủ đoạn gửi quà “ảo”.
Sau khi liên lạc với Edward Archie không được, chị ngậm ngùi đến cơ quan công an trình báo. Khi kiểm tra các tài khoản mà chị M. đã chuyển tiền thì số tiền trên đã bị rút sạch. Cả “trai Tây” cùng đồng bọn đều biến mất.
Đừng tham của “từ trên trời rơi xuống”
Kết thân rồi gửi quà nhằm chiếm đoạt tài sản là một trong những thủ đoạn lừa đảo nổi bật trên mạng xã hội Facebook trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Phòng PC50 Công an Hà Nội đã tiếp nhận 9 đơn trình báo của người bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 3,6 tỷ đồng.
Mới đây nhất, ngày 20/12, Phòng PC50 Công an Hà Nội lại nhận được đơn của một quý bà khác cầu cứu vì bị mất hơn 2 tỷ đồng khi trót chuyển vào tài khoản ngân hàng theo đề nghị của “trai tây”.
Quá trình tìm hiểu được biết, các nạn nhân khi đến cơ quan công an trình báo vụ việc, do nhiều lý do tế nhị, phần lớn các quý bà chỉ trình báo sự việc hết sức chung chung. Ngoài ảo tưởng về một khoản tiền khổng lồ “giấu” trong thùng hàng mà “trai tây” vẽ ra để đánh vào lòng tham của “quý bà” thì những lời tỏ tình trên mạng và viễn cảnh của một cuộc hôn nhân với các “doanh nhân” mới chính là một yếu tố hấp dẫn những phụ nữ độc thân.
Điều này lý giải vì sao những kẻ lừa đảo chuyên nhắm vào những phụ nữ lứa tuổi U40 trở lên và đã từng bị đổ vỡ trong hôn nhân. Nhiều trường hợp, quý bà không ngần ngại gửi ảnh nóng, clip sex của mình cho đối tác. Đến mức đường cùng, nhiều gã quay ngược lại đòi đe dọa sẽ tung lên mạng nếu không chuyển tiền nên các bà đành gởi tiền cho chúng vì sợ bị mất thanh danh.
Theo lãnh đạo Phòng PC50 Công an Hà Nội, việc điều tra , khám phá các vụ án trên gặp nhiều khó khăn bởi các đối tượng lừa đảo đều sử dụng nick ảo, không thể xác định được tên tuổi, địa chỉ thật của đối tượng. Qua xác minh các vụ việc, Phòng PC50 Công an Hà Nội nhận định, có sự liên kết giữa các đối tượng là người nước ngoài và người Việt Nam gây án, hình thành các ổ nhóm tội phạm.
Hiện đã xuất hiện tình trạng tội phạm mua bán tài khoản ngân hàng để sử dụng vào mục đích phạm tội nên người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt là khi tham gia các trang mạng xã hội nếu không muốn lâm vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.