(HNM) - Sáng 17-6, Quốc hội đã nghe đại diện UB Thường vụ Quốc hội trình bày các báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo các dự án luật: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Bưu chính; Nuôi con nuôi; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Người khuyết tật. Tiếp sau đó, với đa số ý kiến tán thành, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nội dung các luật trên.
* Chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế
(HNM) - Sáng 17-6, Quốc hội đã nghe đại diện UB Thường vụ Quốc hội trình bày các báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo các dự án luật: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Bưu chính; Nuôi con nuôi; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Người khuyết tật. Tiếp sau đó, với đa số ý kiến tán thành, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nội dung các luật trên.
Riêng với Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, một trong những nội dung được dư luận cử tri quan tâm là liệu có hay không việc đưa nhà ở vào diện đối tượng chịu thuế. Trước đó, có ý kiến cho rằng việc thu thuế nhà là cần thiết nhằm bảo đảm mục tiêu hạn chế đầu cơ, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm. Tuy nhiên, qua thảo luận, đóng góp và chỉnh lý nội dung của luật này, Quốc hội đã bỏ phiếu tán thành việc chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế.
Quyết định này được UB Thường vụ Quốc hội cho biết là dựa trên cơ sở lấy ý kiến nhân dân cho thấy, việc áp dụng thuế nhà tại thời điểm này chưa được sự đồng thuận cao. Nền kinh tế của Việt Nam chưa thực sự ổn định, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận rất lớn nhân dân. Về mục tiêu hạn chế đầu cơ nhà ở thì thực tế, giá trị nhà ở nước ta gắn liền với giá trị đất và thực chất, nạn đầu cơ ở ta vẫn là đầu cơ đất. Mặt khác, để chống đầu cơ nhà, đất không chỉ dựa vào chính sách thuế mà cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó có thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Ngoài nội dung trên, thể hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, luật đã quy định miễn, giảm thuế đối với đất ở của thương binh, bệnh binh. Trước lo ngại của đại biểu về việc thu thuế đối với diện tích đất lấn chiếm có thể bị coi là hình thức công nhận tính hợp pháp, dẫn đến không chặt chẽ trong quản lý, luật này quy định: "Việc nộp thuế không phải là căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích đất lấn chiếm".
* Chiều cùng ngày, Quốc hội có nội dung bàn về công tác nhân sự. Trước đó, Quốc hội đã tiếp tục nghe báo cáo giải trình và tiến hành biểu quyết thông qua 3 luật khác, gồm: Luật Thi hành án hình sự; Luật Trọng tài thương mại và Luật An toàn thực phẩm. Trong số các dự án luật trên, qua lắng nghe ý kiến cử tri và thực tế đại biểu thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, những nội dung tại Luật Thi hành án hình sự được quan tâm đặc biệt, trong đó đáng chú ý là việc quy định về hình thức thi hành án và việc giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình.
Về hình thức thi hành án tử hình, báo cáo tổng hợp của UB Thường vụ Quốc hội cho thấy, đa số đại biểu tán thành việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Qua thảo luận, Quốc hội đã tán thành quan điểm, trong các hình thức thi hành án tử hình thì tiêm thuốc độc có nhiều ưu điểm và có tính khả thi. Nếu thi hành án bằng cả hình thức xử bắn, công tác thi hành án sẽ đòi hỏi nhiều cơ chế liên quan, rất phức tạp. Vì vậy, Quốc hội đã thông qua luật với nội dung: "thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc" (điều 59).
Sau công tác thi hành án, luật cũng quy định việc giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình. Theo đó, trước khi thi hành án tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của bị án được gửi đơn đến Chánh án tòa án đã xét xử để đề nghị cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về ANTT, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí... Quy định này được cho là phù hợp với điều kiện thực tế cũng như phong tục, tập quán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.