(HNM) - Sau một thời gian
Tại dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi công bố ngày 9- 9, thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một số tiêu chí xác định. Như vậy, số lượng ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh đã giảm nhiều so với thời điểm hiện tại (từ 51 chỉ còn 11), nhưng tăng 3 ngành so với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 19-8 là chỉ cấm 8 ngành, nghề đầu tư và kinh doanh.
Hàng giả và các mặt hàng độc hại tới sức khỏe sẽ bị cấm đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Trần Việt |
Báo cáo về một số vấn đề lớn xin ý kiến đại biểu và nhận định về cơ hội làm ăn, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sau khi có danh sách ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, lần sửa đổi này cũng xác định rõ danh mục "loại trừ" về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (gồm cả những ngành, nghề theo biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác) nên bảo đảm tính minh bạch trong áp dụng pháp luật. Để giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án, không ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Điều này có nghĩa, trong trường hợp cần bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đăng ký thì doanh nghiệp chỉ phải thông báo, kê khai với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, không phải thêm bước bổ sung, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như hiện hành.
Tuy vậy, không ít đại biểu vẫn bày tỏ lo lắng về việc nên mở cửa cho doanh nghiệp đến đâu. Dẫn chuyện trên thực tế ở Việt Nam, mại dâm chưa bao giờ được ghi nhận là một nghề, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hải Phòng Trần Ngọc Vinh băn khoăn với quy định cấm kinh doanh mại dâm. Theo ông Trần Ngọc Vinh, quy định như vậy tức là đã ngang nhiên công nhận mại dâm là một nghề. Đó là chưa kể vấn đề này liên quan đến yếu tố con người, còn nhiều ý kiến khác nhau.
Với việc cấm kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang… trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng, ông Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng chưa hợp lý. "Đã cấm là không trừ trường hợp nào và nên chuyển ngành nghề này sang ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dự thảo thòng thêm câu "trừ trường hợp được nhà nước đặt hàng", vậy cơ quan nào là nhà nước? Cần nêu rõ, nếu không luật triển khai không nghiêm"- ông Trần Ngọc Vinh phát biểu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Hồ Trọng Ngũ khẳng định, trong điều kiện hiện nay, nhân loại rất quan tâm đến chất lượng sống, nếu chỉ cấm các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người là chưa đủ, mà phải cấm cả trên động vật. Hay, nói cấm kinh doanh văn hóa phẩm xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức xã hội là rất trừu tượng, sau này sẽ rất khó thực thi…
Ở góc nhìn khác, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phân tích, xét nghĩa rộng hiện nay không có ngành, nghề nào kinh doanh mà không có điều kiện nhất định và các luật chuyên ngành nên quy định hết. Đưa ra danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở luật "mẹ" thay các luật khác là bất khả thi.
Rà soát quy định cấm ở địa phương
Nhắc lại nhận xét của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường "pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong xây dựng luật, cơ quan soạn thảo thường bảo vệ "cái sân" của mình đến cùng. Nên nếu rà lại thì hướng mỗi đơn vị chịu trách nhiệm "một sân" sẽ dễ buông lỏng quản lý, dẫn đến làm khổ dân và doanh nghiệp. Vì lý do này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc rà soát, thu hẹp, công bố ngành cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh tập trung tuy tốn thời gian, nhưng không nên quy định tại các luật chuyên ngành. Và, đây là lúc Quốc hội cần làm trọng tài, phân định rõ, ngành nghề gì đã cấm và cần có điều kiện mà thấy hợp lý thì đưa vào, còn cấm và hạn chế vô lý thì bỏ đi mới có điều kiện xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và minh bạch hơn, bảo đảm quyền kinh doanh của người dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại chuyện đáng tiếc đã xảy ra, đó là các địa phương tự đề ra quy định "cấm", ví dụ như xi măng phải mua ở tỉnh nhà mà không được mua ở tỉnh khác. Câu chuyện trên cho thấy, từ lâu đã manh nha việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc rà soát các danh mục cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện không chỉ dừng lại ở việc xem xét ở cấp bộ, ngành, mà phải nghiên cứu cả việc triển khai ở địa phương và có giải pháp tháo gỡ trong dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Việt Nam có hội nhập được hay không, doanh nghiệp có cạnh tranh được hay không phụ thuộc vào việc sửa hai luật này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan phải nghiêm túc sửa chữa theo đúng tinh thần của Hiến pháp. "Quốc hội chỉ xem xét thông qua nếu hai luật đạt chất lượng tốt. Nếu tại kỳ họp cuối năm nay chưa thông qua được như dự kiến ban đầu, thì cũng là cơ hội để ban soạn thảo có thêm thời gian làm cho tốt"- Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Các ngành nghề bị cấm kinh doanh và đầu tư tại dự thảo luật 1. Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng, trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng. 2. Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại phụ lục 1 của luật này trừ việc sử dụng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, điều tra tội phạm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 3. Kinh doanh một số loại hóa chất bảng 1 theo công ước quốc tế. 4. Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo tín hiệu, pháo hỏa thuật theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 5. Kinh doanh mại dâm. 6. Mua, bán người và các bộ phận cơ thể người. 7. Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, thuộc phụ lục 1 công ước CITES và mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm I. 8. Các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người. 9. Kinh doanh các loại động vật biến đổi gen. 10. Kinh doanh văn hóa phẩm xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức xã hội. 11. Kinh doanh hàng giả, các mặt hàng độc hại xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người trừ các mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.