Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quảng Ninh sơ tán khẩn cấp người dân sinh sống trên biển lên bờ

Theo Văn Đức - Trung Nguyên - Đức Hiếu (TTXVN)| 03/07/2019 20:44

Để chủ động ứng phó với bão số 2, UBND tỉnh Quảng Ninh có công điện khẩn yêu cầu các địa phương ven biển kiên quyết sơ tán người dân sinh sống tại các lồng bè, chòi canh thủy sản lên bờ để bảo đảm an toàn tính mạng, hoàn thành công việc này trước 18h ngày 3-7.

Lực lượng chức năng kêu gọi các tàu cá về nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh, tính đến 15h ngày 3-7, toàn bộ trên 500 tàu du lịch, 9.663 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã cơ bản được đưa về các chỗ trú tránh bão an toàn. Các ngư dân đang tổ chức chằng buộc, gia cố tàu thuyền, lồng bè. 8.202 tàu đánh bắt thủy sản gần bờ về trú ẩn ở 12 điểm tránh trú bão của 12 địa phương trong tỉnh; khoảng 8 tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh và 250 tàu của các địa phương bạn được thông báo và đã di chuyển về nơi tránh bão của các tỉnh, thành phố khác.

Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã huy động khoảng 700 lượt cán bộ chiến sĩ, 155 phương tiện để giúp bà con làm các công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 2 trước khi đổ bộ vào đất liền.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường kiểm tra cụ thể từng thôn, bản, khu phố; đặc biệt lưu ý các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, khu vực bãi thải; rà soát lại các nhà yếu để chằng chống, gia cố trên địa bàn hoặc có phương án di chuyển dân về nơi an toàn; đồng thời nắm chắc số lượng khách du lịch trên địa bàn để có phương án bảo đảm an toàn. Tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người.

Các địa phương cử người trực, canh gác 24/24h tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có lũ xuất hiện. Bên cạnh đó, các nơi có phương án huy động phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra, bảo đảm giao thông thông suốt.

Thành phố Hạ Long phối hợp, yêu cầu chủ đầu tư các dự án đang thi công có ngay biện pháp hạn chế tối đa bùn, đất và nước tràn xuống đường quốc lộ, khu vực dân cư khi có mưa lớn và có trách nhiệm xử lý ngay hậu quả do dự án mình gây nên; rà soát, xử lý để không xảy ra các điểm ngập úng, trong đó có các phường Hồng Hà, Hà Tu, Hà Khánh, Cao Thắng, Bãi Cháy.

Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Sở Du lịch rà soát số lượng khách tham quan du lịch trên biển đảo, bảo đảm an toàn cho du khách khi có yêu cầu; kiểm tra và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở tuyến giao thông, phương án bảo đảm giao thông tại cầu Bãi Cháy, các tuyến đường cao tốc trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, các công ty thủy lợi theo dõi thường xuyên mực nước tại các hồ chứa nước, chủ động biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa và công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thông tin, kêu gọi các tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn; bảo đảm không để xảy ra ùn ứ người và phương tiện tại các cửa khẩu; tăng cường quan sát, tìm kiếm 9 ngư dân bị mất tích, trôi dạt trên biển tại khu vực tàu cá của tỉnh Nghệ An NA95899 TS bị chìm tại vùng biển thành phố Hải Phòng (cách Nam đảo Bạch Long Vỹ khoảng 34 hải lý).

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh duy trì lực lượng trực ban, kiểm tra, rà soát lại các phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; chỉ đạo Đội Thường trực cứu hộ, cứu nạn trên vịnh Hạ Long bảo đảm quân số và thường trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc và các địa phương có phương án bảo đảm an toàn đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở.

Chủ động phòng chống bão số 2, Phòng Cảnh sát Đường thủy (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã thành lập 4 tổ công tác đến các địa điểm xung yếu, các tuyến, luồng, cảng bến để tuyên truyền hướng dẫn vận động và yêu cầu các chủ phương tiện, thuyền trưởng khẩn trương di chuyển phương tiện về trên 50 điểm tránh trú bão trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống an toàn của phương tiện như dụng cụ cứu sinh, bơm chống đắm, hệ thống neo…

Trong thời gian này, Phòng Cảnh sát Đường thủy huy động 100% quân số thường trực chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; duy trì thông tin liên lạc phối hợp cùng Cảng vụ Đường thủy nội địa, Chi cục Thủy sản, Chi hội tàu du lịch thông báo tình hình diễn biến bão số 2 đến các phương tiện tàu bè hoạt động trên địa bàn tỉnh.  

Hiện tại cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu đã thông báo các phương tiện vận chuyển khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long dừng mọi hoạt động trước 11h ngày 3-7. Tại cảng Cái Rồng, cơ quan chức năng đã ngừng cấp phép tàu chở khách ra các tuyến đảo.

Tính đến 15h ngày 3-7, theo thông tin từ huyện đảo Cô Tô, trên đảo hiện có 1.640 khách du lịch, trong đó có 4 khách nước ngoài chưa vào được bờ.

Trên 500 tàu thuyền đang neo đậu tại đảo Cô Tô. Ảnh: TTXVN

Từ 14h ngày 3/7, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu có mưa nhỏ, gió nhẹ.

Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Vân Đồn

Ngày 3-7, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại huyện Vân Đồn. 

Kiểm tra tại cảng Vân Đồn, khu vực nuôi trồng thủy sản của hơn 60 hộ ở Hòn Cỏ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh ghi nhận, đánh giá cao công tác chủ động phòng chống bão của huyện Vân Đồn nói chung và ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: "Các ngành chức năng cần chuẩn bị mọi phương án phòng chống bão, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời thông tin đến người dân để có biện pháp phòng chống; bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lưới điện. Đặc biệt phải bảo đảm an toàn cho du khách, tính mạng, tài sản của người dân; cấm các tàu thuyền ra khơi, có biện pháp bảo vệ các lồng bè nuôi trồng thủy sản... Địa phương nào để xảy ra thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh Quảng Ninh kiểm tra các lồng bè nuôi trồng hải sản của người dân tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Vân Đồn là huyện đảo có nhiều tàu thuyền đánh bắt và lồng bè nuôi trồng thủy sản. Bí thư Huyện ủy Vân Đồn Tô Xuân Thao cho biết, đến chiều 3-7, đã có trên 1.300 phương tiện tàu, thuyền của các xã, thị trấn được kêu gọi và nắm được thông tin để di dời vào các nơi tránh trú an toàn; 531 nhà bè nuôi trồng thủy sản và dịch vụ được chằng chống chắc chắn, an toàn; đồng thời sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ. Huyện chủ động phương án phòng chống bão với phương châm “4 tại chỗ”, xử lý cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra trên địa bàn các xã, thị trấn.

Anh Phạm Văn Cường, hộ dân nuôi trồng thủy sản tại khu vực Hòn Cỏ, thị trấn Vân Đồn, huyện Vân Đồn cho biết: “Chúng tôi đã được lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến về diễn biến của cơn bão số 2. Sau khi nhận được thông tin chúng tôi đã tiến hành các phương án chủ động phòng chống, bảo đảm an toàn, gia cố, chằng chống các lồng bè cho chắc chắn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh sơ tán khẩn cấp người dân sinh sống trên biển lên bờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.