(HNM) - Lũ đã đi qua nhưng xứ Quảng phải còn lâu mới khắc phục xong hậu quả. Có mặt tại những điểm chịu thiệt hại nặng nhất của tỉnh Quảng Nam trong ngày 10-11, chúng tôi đã ghi nhận những tâm trạng đầy lo âu của người dân rốn lũ...
Chị Lê Thị Mười, thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc lượm những trái đu đủ còn sót lại sau lũ.
Đại An vẫn chưa yên
Đường từ UBND xã Đại An, huyện Đại Lộc về thôn Phước Yên, nơi chịu thiệt hại nặng nhất của xã, nhiều chỗ ngập sâu nhưng xe vẫn đi qua được. Chị Lê Thị Mười ở thôn Phước Yên vẫn chưa quên thời điểm giữa đêm khuya cách đây ba ngày, dòng lũ hung ác đổ về cuồn cuộn, bất ngờ. Cả thôn Phước Yên nháo nhào chạy lũ. Chị Mười nói trong khi vẫn thoăn thoắt lượm những trái đu đủ đã héo, lấm lem bùn đất còn sót lại: "Khi đó, tôi đắng lòng khi nghĩ đến 300 gốc đu đủ đang kỳ thu hoạch. Nhưng cả nhà 7 người chỉ kịp chạy đến nơi an toàn để giữ tính mạng. Giờ thì chẳng còn gì nữa, gắng lượm những gì lũ còn bỏ lại. Nhà cửa cũng hư hỏng hết rồi". Gia cảnh của bà Nguyễn Thị Hồng (72 tuổi) cùng thôn Phước Yên còn bi đát hơn khi của nả trong nhà có hai con lợn, 30 con gà, giờ thì sạch trơn.
Khoảng 70 hộ dân khác trong thôn cũng đang lo lắng cho sự an nguy của gia đình vì lo sợ tình huống "Hà Bá nuốt chửng" khi nào không hay. Dòng sông Quảng Huế chảy qua thôn Phước Yên sau lũ nước đục ngầu, dòng chảy xiết đã thúc mạnh vào bờ, khiến hàng nghìn mét khối đất nông nghiệp, đất ở của người dân Phước An bị nuốt chửng trong mấy ngày qua. Những vết nứt ven sông đã ăn sát vào vườn nhà và đang há miệng chỉ chực chờ đổ ập xuống dòng nước đang cuồn cuộn đổ về.
Báo xả lũ, dân không biết
Anh Nguyễn Thành Long, cán bộ UBND xã Đại An dẫn chúng tôi đi thực tế cho biết, thời điểm lũ lên cao nhất có đến 90% diện tích xã Đại An bị nhấn chìm. Nhưng với kinh nghiệm qua nhiều năm, người dân Đại An đã "đón" lũ trong thế chủ động. Ông Long cho biết, ngày 5-11, Đại An nhận được thông báo dự báo có thể sẽ xả lũ lần đầu tiên, ngày 6-11, thì UBND xã thông báo tới người dân bằng hệ thống loa truyền thanh để người dân đề phòng. Ông Long khẳng định, Đại An không nhận được tin xả lũ cho tới khi lũ về, chỉ nhận được thông báo mưa lớn có thể sẽ xả lũ.
Bà Nguyễn Thị Mua, thôn Phước Yên, vừa dẫn chúng tôi ra phía bờ sông bị sạt lở vừa kể lại, đêm trước khi lũ về, đất đã lở xuống sông Quảng Huế ầm ầm, cả nhà không ngủ được, chốc chốc lại lấy đèn ra soi xem vườn nhà đã bị sạt đến đâu để còn lo chạy. Năm giờ chiều ngày thứ hai (7-11), nước bắt đầu tràn bờ ngập lên nền nhà, bà Mua vội vã cùng chồng con đi sơ tán, chỉ đem theo được ít gạo và quần áo. "Cứ nhà mô cao thì vào ở nhờ, bà con xóm giềng cũng tốt lắm", bà Mua nói. Mặc dù UBND xã Đại An đã thông báo bằng loa truyền thanh nhưng vì mưa to, gió lớn người dân ở thôn không nghe rõ, khi thấy nước lên thì cứ chạy lũ.
Mỗi gia đình ở Đại An đều sắm một chiếc ghe để di chuyển khi lũ lên cao. Những nhà có ghe đều ghé qua vài gia đình neo đơn để đón người già, trẻ nhỏ cùng đi chạy lũ. Nhờ thế mà hàng nghìn người dân trong xã đã an toàn khi lũ dữ ập về. Tuy nhiên, những thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp thì quá lớn khi những con đường giao thông đã bị cày nát vì ngâm trong nước nhiều ngày, diện tích hoa màu, cây ăn quả bị cuốn trôi.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Phan Đức Tính cho biết, mưa lũ đã làm 4 người dân thiệt mạng, ước thiệt hại kinh tế lên đến 177 tỷ đồng. Ông Tính khẳng định, Thủy điện A Vương đã thông báo thẳng việc xả lũ cho UBND huyện trước hai tiếng đồng hồ. Khi nhận được bản fax, UBND huyện đã điện thoại thẳng xuống các xã để thông báo. Các xã sẽ dùng hệ thống loa truyền thanh để báo tin xuống từng thôn. Về lý thuyết, khi A Vương xả lũ, sẽ mất khoảng 8 tiếng thì nước lũ về đến Đại Lộc.
Theo ông Tính, bờ sông Quảng Huế sạt lở là do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ tại Thủy điện A Vương xả lũ. "Việc chặt phá rừng ở thượng nguồn đã khiến lũ chỉ mất khoảng 8 tiếng về đến Đại Lộc, trước đây khi rừng chưa bị phá phải hai ngày lũ mới về và lũ lên cũng chậm hơn bây giờ", ông Tính nói. Từ năm 2005 trở lại đây, lũ lụt đổ về bất thường hơn trước. Người dân vùng này có câu nói cửa miệng: "Ông tha, bà không tha lụt 23 tháng 10", nghĩa khoảng cuối tháng 10 âm lịch, vùng Đại Lộc vẫn phải đón lũ. Nhưng năm 2009, lũ lịch sử lại ập về Đại Lộc vào tháng 11 âm lịch.
Cõng lương thực vượt rừng
Ngược lên các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, thiệt hại còn nặng nề hơn nhiều khi những tuyến đường huyết mạch nối với trung tâm tỉnh Quảng Nam vẫn bị chia cắt. Mưa lũ đã làm đất đá sạt lở nghiêm trọng, cắt đứt tuyến đường Nước Là - Tắc Chanh - Trà Don. Tại tổ 1, thôn 2 xã Trà Mai (huyện Nam Trà My), núi lở đã vùi lấp hai nhà dân, 10 nhà khác có nguy cơ bị vùi lấp đã được lực lượng quân sự, công an, thanh niên tháo dỡ chuyển đến nơi an toàn. Xã Trà Don đã gần một tuần qua hàng hóa tiêu dùng như mỳ tôm, nước mắm đã cạn kiệt. Một số hộ đi bộ xuống huyện cõng về nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con.
Các tuyến giao thông từ trung tâm huyện về các xã Trà Linh, Trà Vân, Trà Cang, Trà Nam vẫn bị cô lập nhiều ngày qua. Nhân dân địa phương phải băng rừng, đi bộ hàng chục cây số xuống trung tâm huyện để cõng thức ăn, nhu yếu phẩm về. Anh Ngô Đình Hải ở xã Trà Vân, người đã đi bộ đến 20km để ra trung tâm huyện thu mua lương thực, thực phẩm, nói: "Đường sạt lở nhiều quá, chúng tôi khiêng xe được vài đoạn nhưng vẫn không thể ra tới huyện vì có mấy điểm đất đá sạt xuống nền đường cả đống cao chất ngất. Chúng tôi phải băng rừng đi tắt ra cõng đồ về ăn chứ mấy ngày nay cả gia đình ăn thực phẩm khô ớn đến cổ rồi!".
Chiều ngày giữa tháng 10, bóng tối xuống sầm sập. Trong các căn nhà ở ven đường le lói ánh đèn, người dân đang khẩn trương dọn dẹp bùn đất ngập ngụa mấy ngày qua, sắp xếp lại đồ đạc để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.