Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quảng bá hình ảnh trên kênh CNN: Cú hích cho du lịch Hà Nội

Lâm Vũ| 15/12/2016 07:09

(HNM) - Hà Nội vừa quyết định chi 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh Thủ đô trên kênh truyền hình CNN (Mỹ) trong 2 năm tới. Bước đi này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn trong thu hút du khách, kêu gọi đầu tư, kích cầu tiêu dùng để Hà Nội nói riêng, Vùng Thủ đô nói chung phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hội nhập.

Du khách nước ngoài tham quan làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông.Ảnh: Bá Hoạt


Việc làm mới, cấp thiết

Bắt đầu từ ngày 1-1-2017 đến 31-12-2018, Hà Nội sẽ quảng bá hình ảnh thành phố trên kênh truyền hình CNN, nhằm thu hút du khách đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đây là một trong những chương trình xúc tiến đầu tư, du lịch quan trọng của Hà Nội. Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, Bộ VH-TT&DL đã từng quảng bá hình ảnh Việt Nam trên Kênh CNN của Mỹ và BBC của Anh qua clip dài 30s trong 3 tháng liên tục, thu được những kết quả khả quan. Với mong muốn tăng lượng khách du lịch đến với Hà Nội; kéo dài ngày lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân của du khách; tăng tỷ lệ khách quay trở lại Việt Nam, việc lên kế hoạch quảng bá hình ảnh Hà Nội trên CNN đã được thành phố và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp du lịch Hà Nội quan tâm.

Đồng quan điểm, ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho rằng, việc Hà Nội chi 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh trong hai năm trên kênh CNN là dấu hiệu tích cực cho thấy quyết tâm đầu tư trọng điểm và mạnh dạn đầu tư cho du lịch. Bởi hiện nay, trung bình hằng năm, Việt Nam cũng mới chi khoảng 2 triệu USD cho hoạt động xúc tiến du lịch.

Cũng theo ông Lê Công Năng, nếu nhìn ra bạn bè quốc tế, chúng ta sẽ thấy đây là bước đi đúng đắn. Ví như Thái Lan xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, họ luôn có kế hoạch xúc tiến du lịch đồng bộ và
bài bản cho các tỉnh, thành phố, địa phương nằm trong nhóm du lịch trọng điểm với ngân sách đầu tư trung bình lên tới 67 triệu USD mỗi năm. Thủ đô Bangkok của Thái Lan là một trong những điểm đến được chú trọng đầu tư phát triển du lịch lớn nhất và đã tạo được những thành tích ấn tượng: Luôn đứng trong top 10 thành phố được du khách ghé thăm nhiều nhất thế giới, với gần 19,59 triệu khách quốc tế nghỉ qua đêm năm 2015. Trong khi đó, với tiềm năng hơn 1.000 làng nghề truyền thống, hơn 5.000 di tích, Hà Nội lại chưa có một thương hiệu du lịch rõ ràng và mới chỉ thu hút gần 3,8 triệu du khách quốc tế năm 2016 (bằng khoảng 1/5 lượt khách quốc tế đến Bangkok).

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet thì cho rằng, đây là một dự án mang tính đột phá của Hà Nội. Tuy nhiên, dự án này cần có sự vào cuộc của các chuyên gia, bởi không phải cứ quảng bá trên kênh truyền hình là tốt nhất, vì xu hướng phát triển của truyền thông quảng cáo phát triển rất nhanh. Nếu như trước đây, chỉ cần chi tiền quảng cáo trên truyền hình là cho kết quả tốt, còn hiện nay cả truyền hình và báo mạng đều bị lấn át bởi mạng xã hội và các hình thức quảng cáo khác. Bởi vậy, rất cần phải có các chuyên gia về truyền thông tư vấn khi thực hiện dự án. "Phải có một slogan nào đó để du khách nhớ đến Việt Nam, nhớ đến Hà Nội như nhắc đến Amazing Thailand là người ta nhớ đến Thái Lan, nhắc đến Truly Asia là người ta nhớ đến Malaysia..." - ông Nguyễn Tiến Đạt nói.

Phải chuyển động tích cực

Du khách quốc tế tham quan phố Hàng Đào (Hà Nội).Ảnh: Thái Hiền


Hà Nội hiện có 5.175 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 1.050 di tích được xếp hạng quốc gia, nhiều di tích nổi tiếng đã được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo như đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... có thể tạo thành những tour du lịch văn hóa, lịch sử, làng nghề đặc sắc.

Đặc biệt, từ ngày 1-9-2016, không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được triển khai đã tạo địa điểm vui chơi, thư giãn hiệu quả cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước, quảng bá được các giá trị văn hóa, lịch sử xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm; đồng thời kích cầu phát triển dịch vụ, du lịch của quận Hoàn Kiếm. Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc quảng bá hình ảnh Thủ đô trên một kênh truyền hình nổi tiếng như CNN là việc làm rất cần thiết.

Song, để thu hút du khách, trước hết, Hà Nội cần nhận diện được các di sản và tiềm năng mà mình đang sẵn có, đồng thời người dân và cộng đồng phải hiểu được giá trị của việc quảng bá và chuẩn bị sẵn tâm thế đón khách. Trong đó có những việc làm cụ thể cần được lưu tâm như: Ý thức trong ứng xử nơi công cộng, văn minh, lịch sự trong giao tiếp; chấp hành những quy định văn minh đô thị như không hút thuốc lá, vứt rác nơi công cộng, bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, các công trình di tích, di sản cũng phải được quan tâm đầu tư; khi lượng khách đến đông phải có giải pháp nhằm cung cấp các loại hình dịch vụ tốt nhất cho du khách...

Hơn nữa, trong thời gian gần đây, ẩm thực Việt Nam liên tiếp được thế giới tôn vinh với các món ngon như phở, gỏi cuốn lọt top 50 món ăn ngon thế giới; bánh mỳ lọt top món ăn đường phố ngon nhất thế giới... Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, sự tôn vinh của thế giới vừa tạo ra cơ hội mà cũng thêm cả thách thức đối với việc phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực Hà Nội. Bởi cho tới nay, ở nước ta, du lịch ẩm thực chưa được đầu tư một cách toàn diện và có thể nói, về mặt “kỹ thuật”, Việt Nam chưa có thương hiệu ẩm thực cho riêng mình.

Ngoài ra, một trong những vấn đề nan giải của du lịch Hà Nội hiện nay là thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp, khu vui chơi giải trí, khu trung tâm mua sắm. Số lượng người dân tham gia vào hệ thống mạng lưới du lịch trở thành hướng dẫn viên cũng thấp. Mỗi người dân tại phố cổ, hay tại các làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc chưa thực sự có ý thức mình là một hướng dẫn viên du lịch của làng, chưa nhận thức được tầm quan trọng vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế địa phương. Đó là chưa kể đến số phòng khách sạn cũng đang thiếu trầm trọng. Hiện Hà Nội có trên 32.000 phòng, trong đó số lượng khách sạn 4, 5 sao mới chỉ có gần 9.000 phòng và với mức tăng trưởng như hiện nay, chỉ 5 năm tới, Hà Nội thiếu từ 20.000 đến 25.000 phòng khách sạn.

Tiềm năng, lợi thế du lịch rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả, các địa phương, cơ quan liên quan và mỗi người dân cần có những "chuyển động" tích cực để tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn với du khách. Song song với việc quảng bá hình ảnh, Hà Nội vẫn còn rất nhiều việc phải làm thì mới có thể thu hút và níu chân du khách, cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng bá hình ảnh trên kênh CNN: Cú hích cho du lịch Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.