Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quần vợt Việt Nam: Ngày càng chuyên nghiệp

Mai Hoa| 30/01/2019 07:57

(HNM) - Trong số hơn 40 môn và phân môn của thể thao Việt Nam, quần vợt có lẽ chỉ xếp sau bóng đá về bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa.


Trao đổi cùng các thành viên trong Hội nghị Ban Chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ đã hơn một lần nhấn mạnh nhiệm vụ tách bạch hệ thi đấu phong trào và hệ thi đấu đỉnh cao của quần vợt Việt Nam trong tiến trình chuyên nghiệp hóa. Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: "Quần vợt Việt Nam đã và đang tiếp cận xu hướng nhà nghề nên việc hình thành giải thi đấu dành cho hệ đội tuyển của các tỉnh, thành, đánh theo thể thức Davis Cup và Fed Cup hằng năm là cần thiết. Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng sẽ sắp xếp, hình thành một hệ thống giải phong trào thống nhất về cách tính điểm trong cả nước, bảo đảm sự phát triển quy củ, ổn định của phong trào chơi quần vợt".

Theo lịch thi đấu năm 2019 được Liên đoàn Quần vợt Việt Nam công bố ngày 24-1, hệ thống giải đấu năm 2019 sẽ bao gồm 22 giải, trong đó có 4 giải quốc tế lớn, gồm vòng sơ loại Junior Davis Cup/Junior Fed Cup (diễn ra từ ngày 4 đến 9-3) tại Srilanka, Davis Cup nhóm 2 (bốc thăm ngày 6-2, thi đấu tháng 4), ITF U18 Junior Circuit TP Hồ Chí Minh nhóm 4 (từ ngày 6 đến 13-7, tại TP Hồ Chí Minh) và nhóm 5 (từ ngày 14 đến 21-7 tại Tây Ninh). Có nhiều cải tiến trong công tác tổ chức các giải quốc gia, trong đó ngoài Giải vô địch quốc gia, Giải vô địch đồng đội trẻ và đồng đội quốc gia, còn có tới 4 giải Master, 4 giải Pro Tour. Cùng với đó là hệ giải Thanh thiếu niên và hệ giải Phong trào với 4 giải VTF Junior Tour và 4 giải VTF Amateur Tour.

Từng có những đánh giá không tích cực về việc tốn tiền tỷ đưa giải đấu quá tầm ATP Challenger về tổ chức tại Việt Nam 3 năm (kể từ năm 2015), nhưng ông Nguyễn Quốc Kỳ đã không ngần ngại khẳng định: "Việc đưa các giải đấu uy tín về tổ chức tại Việt Nam đã góp phần đáng kể để các tay vợt trẻ được học hỏi, thị sát, nâng cao trình độ. Nhờ vậy, hiện nay, quần vợt Việt Nam đã có đội ngũ trẻ mạnh mẽ, tự tin, giành được quyền thăng hạng lên nhóm 2 Davis Cup khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Hiện nay, quần vợt Việt Nam có 6 tay vợt có trình độ cao và hơn 40 vận động viên trẻ nhiều triển vọng như Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Hoàng Thành Trung, Nguyễn Đắc Tiến, Nguyễn Văn Phương... Trong đó, Lý Hoàng Nam thuộc tốp 400 thế giới.

Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, vì vậy, Liên đoàn đã sớm xây dựng chương trình hoạt động với nhiều mục tiêu cụ thể. Với thực lực hiện tại, một trong các mục tiêu của quần vợt Việt Nam năm 2019 là giữ vững vị trí trong nhóm 2, phấn đấu năm 2020 sẽ giành quyền lên nhóm 1 Davis Cup khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng tính tới mục tiêu giành Huy chương vàng quần vợt nam, Huy chương đồng quần vợt nữ tại SEA Games 30-2019 ở Philippines. Đây là mục tiêu không dễ thực hiện, nhưng lại được giới chuyên môn đánh giá là "trong tầm tay" nếu quần vợt Việt Nam có thể tận dụng nguồn nhân lực từ các tay vợt Việt kiều. Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích: "Liên đoàn đã nghiên cứu hệ thống vận động viên Việt kiều đang thi đấu trên thế giới hiện nay, trong đó có tới 6 tay vợt thuộc tốp từ 200 đến 300 trong bảng xếp hạng ATP, như tay vợt Mỹ Thái Sơn Kwiatkowski hiện xếp hạng 275 ATP, đang thi đấu cho Câu lạc bộ Hưng Thịnh TP Hồ Chí Minh. Các tay vợt này đều muốn cống hiến cho quần vợt Việt Nam. Nếu có thể sớm nhập tịch cho các tay vợt Việt kiều, mục tiêu Huy chương SEA Games là hoàn toàn khả thi".

Về hướng đào tạo dài hơi, trong năm 2019, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam sẽ tập trung thành lập các học viện đào tạo trẻ, trước mắt là tại Đà Nẵng, tiến tới nhân rộng mô hình đào tạo trẻ ở Tây Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quần vợt Việt Nam: Ngày càng chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.