Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quần vợt Việt Nam: Mở rộng phong trào, khó đạt đỉnh cao

Xuân Lộc| 27/02/2010 07:52

(HNM) - Trong những năm gần đây, phong trào quần vợt Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp trên cả nước. Các sân quần vợt mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi, từ các thành phố lớn đến cả những thị trấn nhỏ. Tuy nhiên, lực lượng quần vợt chuyên nghiệp, thành tích cao lại mãi ì ạch. Điều đó khiến môn banh nỉ nước ta không gây được tiếng vang khi ra đấu trường quốc tế.

Tay vợt trẻ Nguyễn Hoàng Thiên.


Người người chơi quần vợt

Theo thống kê của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 3.000 sân quần vợt. Riêng Hà Nội có gần 600 sân và TP Hồ Chí Minh có gần 800 sân. Hằng ngày, sau giờ làm việc, ước có hàng vạn người đủ mọi thành phần, lứa tuổi tham gia tập luyện quần vợt. Hằng năm, ngoài 15 giải quốc gia và quốc tế nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia có hàng trăm giải phong trào uy tín, quy mô lớn của cấp tỉnh, thành phố, bộ, ban ngành; doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Ông Trần Ngọc Lịnh, Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên đoàn Quần vợt Việt Nam cho rằng, ở nước ta, nhà nhà chơi tennis, người người chơi tennis. Số lượng người chơi quần vợt ngày càng đông, nhưng đó chỉ mang tính nghiệp dư phong trào. Lực lượng quần vợt chuyên nghiệp, thành tích cao vẫn chưa có cơ phát triển.

Cũng theo ông Lịnh, hằng năm, công tác đào tạo HLV và trọng tài đã đáp ứng được yêu cầu phổ cập kiến thức cơ bản, làm cho phong trào quần vợt tại các địa phương, các ngành dần dần đi vào quy củ và có tính chuyên môn. Nhưng mặt hạn chế lớn là đội ngũ trọng tài, HLV của Việt Nam chưa thành thạo ngoại ngữ và cũng chưa có nhiều cơ hội được tham gia các giải quốc tế, do đó, họ bị hạn chế về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm. “Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có HLV và trọng tài có đẳng cấp quốc tế. Điều đó rất thiệt thòi cho phong trào quần vợt, nhất là cho thế hệ VĐV trẻ”, ông Lịnh nhìn nhận.

Bao giờ môn banh nỉ phát triển đỉnh cao?
Trong khi các nước láng giềng như Trung Quốc hay Thái Lan đã có những tay vợt chơi trong các giải Grand Slam của thế giới, thì tại các giải đấu quốc tế nhỏ tổ chức trong nước, các tay vợt Việt Nam cũng không mấy khi giành được thành tích cao.

Bên cạnh đó, thành công của một vài tay vợt “hạt giống” của Việt Nam thời gian qua không đến từ sự đầu tư bằng tiền của Nhà nước mà từ chính “nội lực” gia đình. Như năm 2009, Nguyễn Thùy Dung đã được xếp hạng 612 trong bảng xếp hạng của WTA, 2 VĐV trẻ là Nguyễn Hoàng Thiên (hạng 546) được xếp hạng là VĐV số 1 U14 châu Á và Đài Trang (hạng 336) cũng được xếp hạng trong hệ thống VĐV trẻ thế giới. Để có được thành tích trên, tay vợt Thùy Dung (Hà Nội) được gia đình đầu tư đi Thái Lan, Mỹ tập huấn dài ngày, tham dự nhiều giải đấu mở rộng của Mỹ; Hoàng Thiên, Đài Trang cũng được gia đình bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê HLV, tập huấn nước ngoài và thi đấu nhiều giải quốc tế.

Theo Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, phương hướng hoạt động của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính. Trước hết, cần sớm triển khai chủ trương xã hội hóa đối với môn quần vợt để có thể chủ động khơi dậy sự ủng hộ và đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các gia đình. Hai là, muốn có VĐV chuyên nghiệp và có thành tích cao cần có thầy (HLV) giỏi, có cơ sở vật chất, sân bãi hiện đại và tạo điều kiện để các VĐV có thể tham gia nhiều giải đấu trong và ngoài nước. Ba là, có cơ chế phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa Liên đoàn với các cơ quan chức năng của Nhà nước, các sở VH, TT&DL các địa phương trên cả nước. Và cuối cùng là phải có đội ngũ HLV, trọng tài chuyên nghiệp và có đẳng cấp quốc tế.

Sau thành công tốt đẹp của Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ V (2010-2014) vừa diễn ra tại Hà Nội, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam hy vọng, Ban Chấp hành mới sẽ có nhiều chương trình, kế hoạch hành động thiết thực nhằm đưa phong trào quần vợt lên tầm cao mới, sớm có nhiều VĐV trẻ và tài năng để môn banh nỉ của Việt Nam ngang tầm với khu vực và quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quần vợt Việt Nam: Mở rộng phong trào, khó đạt đỉnh cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.