Một nỗi lo không nhỏ của tất cả các nước mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể cả Trung Quốc, đó là vấn đề chảy máu “chất xám” từ các cơ quan nghiên cứu khoa học (NCKH) công lập sang các tập đoàn đa quốc gia.
Nghiên cứu, phân tích các mẫu đất trong phòng thí nghiệm tại Trường đại học Nông Lâm (Thái Nguyên). Ảnh: PA
Nhiều chuyên gia cũng đã dự báo sẽ có tình trạng này khi Việt Nam đã trở thành thành viên WTO. Trong khi đó, mức lương của nhà khoa học ở ta lại thấp, càng làm cho vấn đề chảy máu “chất xám” hiển hiện ngày một rõ...
Nhà khoa học cũng xuất thân từ những người tốt nghiệp đại học (ĐH) nên cũng được hưởng lương ngang bằng những cử nhân, kỹ sư khác. Nhưng đã chọn lấy nghiệp khoa học, họ phải phấn đấu để có những học hàm, học vị. Nghiên cứu, làm luận án để lấy học vị tiến sĩ, thậm chí cả khi được phong chức danh phó giáo sư, giáo sư nhưng lương vẫn chẳng nhỉnh hơn bao nhiêu. GS-TSKH Đỗ Trần Cát, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho biết, tổng thu nhập của ông sau khi tăng lương cũng chỉ hòm hòm trên 5 triệu chút ít.
Nếu chỉ dựa vào lương, rõ ràng các nhà khoa học chỉ đủ tiêu cho cá nhân mình, huống hồ làm sao dựng được nhà, nuôi con ăn học và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Vậy nguồn thu nhập ngoài lương họ kiếm từ đâu ? Trước hết, đó là tiền thu nhập từ các dự án, các đề tài NCKH. ở các nước, kinh phí dùng cho các đề tài thực sự dồn cho các trang thiết bị nghiên cứu, nhưng ở nước ta thì một phần không nhỏ kinh phí đó dành trả công cho cán bộ để nâng cao thu nhập. Đề tài càng to thì “thu nhập” càng lớn. Suy cho cùng thì đây cũng là “lương bổng” của nhà nước dành cho các nhà khoa học. Muốn lương cao, nhờ có “mác” tiến sĩ, giáo sư, nhiều người chọn con đường rẽ ngang sang ngạch quản lý...
Tại một cuộc hội thảo của Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội, một số liệu đã được đưa ra: hiện nay chỉ có 30% người làm khoa học chuyên tâm cho công việc nghiên cứu mà thôi. Họ sẽ nâng cao thu nhập ngay khi đi tu nghiệp, nghiên cứu ở nước ngoài. Việc đi học đã được bao cấp kinh phí. Học xong, ở lại nước ngoài làm việc có thu nhập gấp nhiều lần trong nước.
Ngay như đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH hiện cũng không nhiều người chuyên tâm vào nhiệm vụ nghiên cứu. Thay vào đó là họ phải giảng dạy khá nhiều để nâng cao thu nhập. Mặc dù trong Quyết định số 19/2005/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về hoạt động NCKH trong các trường ĐH, CĐ đã ghi rõ: “NCKH là nhiệm vụ bắt buộc của giảng viên. Giảng viên có trách nhiệm dành ít nhất 30% định mức thời gian làm việc cho hoạt động NCKH”, các trường vẫn gặp khó khăn trong việc cụ thể hóa quy định này nên NCKH chưa thực sự gắn kết với đào tạo thành một quy trình liên hoàn, bổ trợ nâng cao hiệu quả của nhau. Điều này dẫn đến số lượng các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có xuất xứ từ các trường ĐH trong nước nhiều năm qua vẫn giẫm chân tại chỗ..
Trong khi đó, nguồn nhân lực trẻ tại các cơ quan NCKH hiện đang đứng trước thách thức là rất khó tuyển được người giỏi. Đội ngũ giảng viên trẻ trong các trường ĐH, viện nghiên cứu rất hiếm người không phải trải qua giai đoạn “điếu đóm” và nhiều việc không tên khác mà lẽ ra nhiệm vụ của các giảng viên trẻ chỉ là học tập để nâng cao trình độ, tập sự NCKH. Quá trình này nhiều khi cũng bào mòn nếp nghĩ và tư duy của họ. Trên các diễn đàn, nhiều nhà khoa học đã thực sự lo lắng trước đội ngũ nhà khoa học trẻ kế thừa ngày càng khan hiếm.
Một vài năm trở lại đây, Hà Nội đã tuyên bố là không có rào cản nào trong việc tuyển dụng các thủ khoa tốt nghiệp ĐH về công tác tại các sở, ngành. Từ đó đến nay đã có vài lứa thủ khoa như thế, với hàng trăm người ra trường nhưng số người về làm việc và đậu lại khá ít ỏi.Tình hình này không chỉ Hà Nội gặp phải mà tất cả các cơ quan Nhà nước đều đang tụt hậu trong cuộc cạnh tranh nhân lực hiện nay. Vì sao lại có hiện tượng này không phải quá khó để tìm ra câu trả lời. Đó là do lương thấp, sự bảo thủ của các cơ quan Nhà nước hiện nay không phù hợp với sự năng động, tri thức khoa học tiên tiến mà họ đã tiếp thu được, chưa kể đến cơ hội thăng tiến của họ thường chậm hơn bạn bè. Rất nhiều bạn trẻ chọn cho mình con đường vào làm tại các Cty nước ngoài với mức lương hậu hĩnh hoặc tìm cơ hội học tiếp ở nước ngoài rồi mới tính .
Hiện nay, Bộ Khoa học - Công nghệ đang hoàn thiện đề án “Một số chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học, công nghệ giai đoạn 2006-2010”. Theo đó, một giáo sư đầu ngành có thể nhận được 1000 - 2000 USD/tháng nếu có kết quả nghiên cứu đạt trình độ quốc tế. Nhìn sang nước láng giềng là Trung Quốc, trong vài năm trở lại đây, lương của những nhà khoa học hàng đầu đã tăng gấp từ 2 đến 20 lần lương của quan chức cao cấpNhà nước. Điều này cũng rất đáng để suy nghĩ !
Lương thấp, các nhà khoa học phải “kiếm thêm” bằng nhiều cách khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới cũng là lúc “chất xám” có điều kiện để phát huy hơn nữa năng lực của mình. Thôi thì trong lúc xã hội chưa có đãi ngộ thỏa đáng, thì nhà khoa học chọn cách nâng cao thu nhập theo kiểu “quân tử phòng thân” nêu trên vẫn hơn ! “Có thực mới vực được đạo” đâu có gì là sai trái khi cơ chế cho phép điều đó...
Văn Giang
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.