Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan tâm hơn nữa đời sống dân sinh

Nhóm PV Bạn đọc| 01/08/2011 07:14

(HNM) - Tròn ba năm được mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô đang ngày càng lớn mạnh về nhiều mặt. Nhân ngày vui này, nhiều bạn đọc gần xa đã gửi thư đến Báo Hànộimới để bày tỏ những tâm tư, tình cảm, cùng những kỳ vọng của mình vào tương lai của Thủ đô 1000 tuổi…


Ông Mai Văn Toản (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình): Xứng tầm một đô thị trung tâm


Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó ngoài đô thị lõi, thành phố của chúng ta sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Như vậy, sau đúng 3 năm, có thể khẳng định rằng việc hợp nhất đã mang đến những điều kiện quan trọng về tự nhiên và xã hội để Hà Nội phát triển xứng tầm là một Thủ đô lớn trên thế giới. Mong rằng với quy hoạch đã được phê duyệt, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ giảm được áp lực gia tăng dân số cơ học, cơ bản giải quyết được các vấn đề dân sinh bức xúc hiện nay như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… từ đó phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, xứng đáng là đô thị trung tâm bên cạnh 5 đô thị vệ tinh.

Bà Nguyễn Thị Hồng (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức): Sớm định hướng xây dựng nhà ở tại các vùng nông thôn


Sự chuyên nghiệp trong điều hành của bộ máy lãnh đạo thành phố sẽ mang lại những đổi thay cơ bản theo chiều hướng nhất quán, đồng bộ và tôi tin rằng trong 10 năm tới, thành phố của chúng ta có những thay đổi lớn lao về diện mạo. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn về sự phát triển thiếu định hướng trong kiến trúc xây dựng về nhà ở tại những vùng ngoại thành, bởi ở đây có sự pha trộn giữa không gian làng quê và không gian phố xá. Sau những chiếc cổng làng cổ kính là những ngôi nhà cao ngạo nghễ đã khiến cảnh quan trở nên lộn xộn… Theo tôi, ngay từ bây giờ các nhà quy hoạch cần có sự bàn định để đưa ra hướng phát triển phù hợp, đồng bộ cho những vùng nông thôn mới.

Ông Hà Minh Hậu (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh): Để xã hội trở về trạng thái cân bằng

Mặc dù nhà nước đã hỗ trợ học nghề cho những gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi, song việc này được tính bằng tiền, nên công tác dạy nghề không hiệu quả. Chính vì vậy, lượng người thất nghiệp ở nông thôn tràn ra thành phố ngày càng nhiều, họ sống bằng đủ các nghề: bán hàng rong, làm thuê, xe ôm... Những người này đã kéo theo một lượng lớn trẻ em đi cùng, khiến việc dạy và học ở thành phố ngày càng quá tải. Do lượng lao động chính ở nông thôn không còn nhiều, hoạt động của các đoàn thể Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… trở nên rệu rã, khó tập hợp. Đây là điều các ban, ngành cần quan tâm, chấn chỉnh để chúng ta có một cộng đồng gắn kết hữu cơ và nếu thực hiện sớm vấn đề này thì xã hội sẽ càng nhanh trở về trạng thái cân bằng.

Ông Dương Duy Long (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất): Quan tâm đến đời sống của giáo viên, nhân viên y tế miền núi


Sau ba năm về với Thủ đô Hà Nội, một số xã trước đây thuộc huyện miền núi Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình như được "mặc" bộ áo mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cũng như các trạm y tế được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, từng bước hiện đại và các trục đường giao thông liên thôn, liên xã… dần được bê tông hóa. Tuy nhiên, đời sống của giáo viên và nhân viên y tế ở đây vẫn còn rất khó khăn. Chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ quan tâm hơn nữa đến đời sống của đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế đang tham gia công tác tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi…

Bà Vũ Thị Cúc (thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa):Một thành phố có tầm cao mới…


Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố và hơn 700 dự án sẽ phải điều chỉnh, xem xét… Điều này đặc biệt có ý nghĩa, bởi như vậy giá trị của đất đai đã được nhìn nhận, đánh giá thận trọng, khoa học hơn. Hiện thành phố vẫn còn những khu đất mà các nhà đầu tư đang cố "ôm", làm cho không ít diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không thể canh tác được, gây lãng phí cho xã hội. Tôi hy vọng rằng, với sự rộng mở về không gian, thành phố Hà Nội sẽ phát triển ở tầm cao mới.

Ông Trần Trọng Sâm (thương binh hạng 1/4, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín): Đời sống của các gia đình chính sách được nâng cao


Được "về" Hà Nội là niềm vui lớn của những người dân quê tôi, nhất là đời sống của các gia đình có công với cách mạng đã được nâng lên rõ rệt. Các chế độ, chính sách dành cho gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công với nước đều được áp dụng ở mức cao hơn; việc thăm nom khi đau ốm hay dịp lễ tết cũng diễn ra đều đặn. Bộ mặt nông thôn cũng đang dần được đổi thay, khang trang hơn, sạch đẹp hơn nhờ các dự án làm đường, cung cấp nước sinh hoạt, thu gom rác thải...

Bà Phạm Thanh Hồng (giáo viên THPT huyện Ứng Hòa): Chất lượng giáo dục còn chênh lệch


Sau khi hợp nhất, hầu hết trường học ở các xã, huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) đều được quan tâm đầu tư hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng được nâng cao trình độ nghiệp vụ… Tuy nhiên, chất lượng giáo dục chưa được đồng đều giữa các trường nội và ngoại thành. Đặc biệt, điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của 3 năm vừa qua có sự chênh lệch quá lớn giữa các trường trung tâm và các trường ngoại thành. Tôi mong rằng, ngành Giáo dục-Đào tạo Hà Nội quan tâm hơn nữa đến các trường ở xa trung tâm, xây dựng hệ thống các trường chuẩn chất lượng cao và các trường vệ tinh…

Ông Nguyễn Hoàng (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên): Nâng cao mức thu nhập cho nông dân


Hà Nội đã chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện, làm cho diện mạo nông thôn bước đầu khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên một bước. Song, mức thu nhập của nông dân vẫn còn quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Thành phố cần quan tâm, giúp đỡ các địa phương về công tác quản lý, đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thiết thực, phục vụ sản xuất và đời sống văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân…

Ông Nguyễn Đăng Hưng (chủ doanh nghiệp trẻ ở huyện Chương Mỹ): Tạo môi trường đầu tư thông thoáng

Trong ba năm qua, tôi thấy mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội mở rộng đều sôi động và nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện là bao; ở một số khâu, công đoạn vẫn còn rườm rà, máy móc, gây không ít phiền hà cho các doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành của thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm hơn nữa đời sống dân sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.