(HNM) - Đại hội lần thứ III của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 9-1960 đã vạch ra đường lối chung của Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đường lối Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thông qua phương hướng và nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về phát triển kinh tế và văn hóa theo chủ nghĩa xã hội, quyết định những chủ trương về củng cố Đảng và thông qua Điều lệ mới của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học văn hóa tại khu lao động Lương Yên.
Dưới ánh sáng Nghị quyếtĐại hội lần thứ III của Đảng, nhân dân miền Bắc càng thêm phấn khởi và tin tưởng, đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cụ thể là tiến hành ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, Cách mạng kỹ thuật, Cách mạng tư tưởng và văn hóa. Trong khi nhân dân miền Bắc đang vững bước tiến lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì ở miền Nam, cuộc đấu tranh của đồng bào ta chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngày càng phát triển và thu được nhiều thắng lợi. Con đường đi lên của cách mạng miền Nam bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện rõ ở bài diễn văn của Người tại Lễ khai mạc Đại hội. Bản thảo gốc của diễn văn hiện đang được lưu giữtại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam,mang ký hiệu 1098/gy.240.
Trong đó, Người nhận định tổng quát những thành tích và nguyên nhân thắng lợi, đặc biệt là những chuyển biến lớn đã diễn ra trên đất nước ta từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng trở đi. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ hiện nay của cách mạng Việt Nam là: Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”.
Trong những năm 60 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả. Lập trường của Người thể hiện lập trường và thái độ của Đảng ta đối với các vấn đề quốc tế. Người phân tích sâu sắc mối quan hệ gắn bó giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, khẳng định cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà củanhân dân ta không thể tách rời cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc. “Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”, đó là tư tưởng quốc tế trong sáng của Hồ Chí Minh.
Người cũng nhiệt liệt hoan nghênh tình nghĩa quốc tế vô sản giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng Cộng sản và Công nhân thế giới đang chung sức trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình và an ninh của các dân tộc: “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam còn là do nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc đã hết lòng giúp đỡ. Nhân dịp này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn các nước xã hội chủ nghĩa…” .
Bản thảo bài phát biểu dài 6 trang đánh máy, trên khổ giấycủaVăn phòng Phủ Chủ tịch có kích thước 27 x 21 cm. Trên bản thảo vẫn còn lưu lại những dòng chữ viết tay của Người sửa chữa một cách tỷ mỉ những đoạn, những câu, những từ chưa chuẩn xác. Người cân nhắc từng câu, từng chữ để cho phù hợp với tình hình thực tế của nước nhà lúc bấy giờ. Ví dụ, trêntrang 2, Người viết: “Tất cả những thắng lợi đã giành được không phải là công lao riêng của Đảng và của mấy mươi vạn đảng viên ta” đã được Người cân nhắc và sửa lại thành: “Tất cả những thắng lợi đó không phải là công lao riêng của Đảng. Đó là công lao chung của toàn thể đồng bào ta trong cả nước”. Trang 6, Người còn thêm cả một khẩu hiệu được viết tay như sau: “Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn năm!”. Đối với chúng ta hiện nay, khẩu hiệu này vẫn phù hợp và giữ nguyên tính thời sự. Đó cũng chính là niềm mong mỏi của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh để giành cho được độc lập dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Lê Minh Độ
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.