Sức khỏe

Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng khi điều trị ung thư

Xuân Lộc 11/10/2023 - 07:30

Ngoài các can thiệp y tế chuyên sâu, chế độ dinh dưỡng chiếm một phần rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều hiểu lầm của người bệnh về chế độ dinh dưỡng khiến quá trình điều trị căn bệnh này gặp khó khăn hơn.

unh-thu.jpg
Tiến sĩ Fahma Sunarja, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và quản lý cấp cao (Trung tâm Ung thư Parkway Singapore) chia sẻ thông tin dinh dưỡng đến người bệnh. Ảnh: Thu Trang

Không nên nhịn ăn hay loại bỏ đường

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm tại nước ta có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú.

Tại buổi chia sẻ thông tin dinh dưỡng đến người bệnh ung thư, Tiến sĩ Fahma Sunarja, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và quản lý cấp cao - Trung tâm Ung thư Parkway Singapore cho biết, ung thư là căn bệnh thực sự cần có tư vấn và định hướng chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với thể trạng bệnh nhân. Thế nhưng, thực tế cho thấy, không ít bệnh nhân thực hiện chế độ dinh dưỡng chưa khoa học. Thậm chí, họ còn có những quan điểm sai lầm khi cho rằng, nên nhịn ăn để tiêu diệt tế bào ung thư hay tuyệt đối không sử dụng đường và thực phẩm hữu cơ tốt hơn, an toàn hơn so với thực phẩm thông thường.

Về quan điểm nhịn ăn vài ngày sẽ giúp thải độc cơ thể từ đó cũng giúp tiêu diệt tế bào ung thư, một phương pháp được nhiều người “truyền miệng” là detox - thanh lọc cơ thể bằng cách không ăn, chỉ uống nước trong khoảng một tuần. Tiến sĩ Fahma Sunarja khẳng định, người bị bệnh ung thư không nên áp dụng phương pháp này. Nếu người bệnh tự ý nhịn ăn hay giảm ăn thì tất cả những tế bào khác trong cơ thể đều bị thiếu dinh dưỡng, bản thân người bệnh sẽ bị đói. Khi cả cơ thể bị đói, người bệnh sẽ bị suy kiệt sức khỏe, thậm chí chết vì đói trước khi chết vì khối u. Vì vậy, đứng trước những thông tin chưa chính xác, người bệnh cần cân nhắc, xin tư vấn thêm từ chuyên gia để lựa chọn chế độ dinh dưỡng tốt nhất.

Thêm một quan điểm sai lầm là người bệnh ung thư không nên ăn đường vì gia vị này có thể khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Tiến sĩ Fahma Sunarja khẳng định, thực tế là đường không làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Trước tiên, cần phải hiểu về hoạt động của đường trong cơ thể. Thực phẩm mà con người ăn hằng ngày như: Cơm, ngô, khoai, sắn, ngũ cốc, các loại hoa quả... có chứa chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể có tên là carbohydrate. Carbohydrate có thể phân làm 3 loại chính, gồm: Đường là dạng carbohydrate đơn giản nhất; tinh bột là một loại carbohydrate phức tạp, có cấu trúc gồm nhiều đơn vị đường liên kết với nhau; chất xơ cũng thuộc loại carbohydrate phức tạp. Tất cả các tế bào, kể cả tế bào ung thư sẽ phụ thuộc vào lượng đường trong máu (glucose) để sản sinh năng lượng. Thế nhưng, ăn nhiều đường không có nghĩa là tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hay giảm đường cũng không khiến các tế bào ung thư “chậm lớn”. Tế bào ung thư tăng trưởng nhanh là do tính chất ác tính của nó.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, có nhiều bằng chứng cho thấy, tiêu thụ một lượng lớn đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư thực quản... Hơn nữa, tiêu thụ nhiều đường cũng làm tăng cân và tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, từ đó dẫn đến nguy cơ ung thư. Do đó, người bệnh nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp để tránh đường huyết tăng cao như: Bánh mì nguyên cám, cà rốt, cơm, mì, phở...

Bên cạnh đó, nhiều người lầm tưởng, thực phẩm hữu cơ tốt hơn và an toàn hơn so với thực phẩm thông thường. “Một sản phẩm ghi nhãn là hữu cơ hoặc chứa các thành phần hữu cơ không có nghĩa là sản phẩm đó sẽ lành mạnh hơn. Thậm chí, một số sản phẩm hữu cơ vẫn có nhiều đường, muối, chất béo hoặc calo...”, Tiến sĩ Fahma Sunarja lưu ý.

Sống lành mạnh, điều độ là quan trọng nhất

Ngoài việc điều trị bệnh, một chế độ ăn uống đầy đủ chất, bảo đảm an toàn thực phẩm là yếu tố quyết định để ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng và suy kiệt ở bệnh nhân ung thư. Tiến sĩ Fahma Sunarja chia sẻ: “Với bệnh nhân ung thư, sống lành mạnh, điều độ là rất quan trọng. Do đó, chúng tôi luôn có các dịch vụ hỗ trợ tư vấn về dinh dưỡng và tâm lý cho bệnh nhân, giúp họ an tâm trong quá trình điều trị”.

Với chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, vị chuyên gia này khuyến cáo, người bệnh cần ăn nhiều chất xơ, trái cây, rau, quả; cắt giảm thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đóng hộp và hạn chế uống rượu, bia. Cụ thể, bệnh nhân không ăn quá 500gram thịt đỏ nấu chín mỗi tuần. Chỉ nên tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn hằng ngày ở mức 70gram. Ngoài ra, người bệnh ung thư cần tránh ăn thực phẩm sống như sashimi (gỏi), rau sống, thịt bò tái...; không nêm nhiều gia vị sau khi nấu ăn; tránh ăn trứng chưa nấu chín; tránh ăn thực phẩm không bảo đảm vệ sinh hay thực phẩm đã nấu nhiều giờ trước đó mà không được bảo quản đúng cách.

Đề cập đến việc bổ sung các thực phẩm chức năng đối với người bệnh ung thư, Tiến sĩ Fahma Sunarja lưu ý, người bệnh nên tham khảo thông tin từ các cơ sở y tế chuyên khoa và các chuyên gia tin tưởng xem có thực sự cần thiết phải sử dụng thực phẩm chức năng hay không; đồng thời nên cẩn thận với các quảng cáo và thông tin tràn lan về sản phẩm mà chưa có những bằng chứng lâm sàng chính xác.

“Thực phẩm chức năng nên được xem như một phương tiện bổ sung giúp tăng cường sức khỏe. Việc sử dụng thực phẩm có từ tự nhiên vẫn tốt hơn so với dùng thuốc. Do đó, một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng tổng thể vẫn là phương án quan trọng nhất giúp cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật”, Tiến sĩ Fahma Sunarja nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng khi điều trị ung thư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.