Tài chính

Quản lý tiền ảo - thách thức trong thời đại công nghệ số

Minh Thúy 10/04/2025 - 17:21

Đã có không ít cảnh báo và rất nhiều đối tượng bị xử lý về các hành vi phạm tội liên quan đến tiền ảo, nhưng việc mua bán tiền ảo vẫn diễn ra sôi động, dòng tiền vẫn đổ vào lĩnh vực này ngày càng lớn.

Hàng loạt nhà đầu tư tham gia giao dịch với giá trị cao đã “sập bẫy” siêu lợi nhuận bởi thiếu kiến thức về tài chính, tiền tệ, công nghệ số... Thực tế này đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về tiền ảo.

Bài đầu: “Trắng tay” vì lợi nhuận ảo

Việt Nam hiện chưa có sàn giao dịch tiền ảo nào được Nhà nước công nhận và hoạt động hợp pháp, cũng như chưa công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Song, trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội, tiền ảo liên tục “làm xiếc”, khiến hàng loạt nhà đầu tư “trắng tay”.

Nhiều loại tiền ảo do các tổ chức, cá nhân tự tạo lập và tự tạo vỏ bọc bằng ngôn từ mỹ miều về giá trị vốn hóa thị trường, tiềm năng phát triển và lợi nhuận cao... đang làm gia tăng các vụ lừa đảo, gây hệ lụy lớn cho xã hội.

“Cạm bẫy” trên không gian mạng

Không khó để tìm được những nội dung quảng bá về tiền ảo, tiền điện tử có sức hút trên mạng xã hội, như: “Interlink netword - dự án của Mỹ kết hợp với tỷ phú Elon Musk: Kèo này mới ra mắt, tiềm năng rất lớn, hãy là người tiên phong đi đầu...”. Hay “Interlink network là dự án đang hot hiện nay. App đang đứng số một tại Canada. Trong khi chờ Pi lên đỉnh mới ta có thể tải và cài đặt để nhận airdrop siêu khủng cho những người tiên phong đầu tiên. Đừng bỏ lỡ cơ hội tăng thêm thu nhập trong tương lai nhé!”...

Những người không am hiểu về tài chính, tiền tệ, công nghệ số sẽ rất dễ tin "cạm bẫy", bỏ tiền ra đầu tư mua tiền ảo để "đổi đời". Song thực tế, nhiều người mơ hồ, không đánh giá được hết bản chất của những lời mời chào đó.

dauu-tu-tien-ao-tiem-an-rui-ro.png
Nhà đầu tư thiếu kiến thức khi đầu tư tiền ảo sẽ gặp nhiều rủi ro. Ảnh: PV

Thực tế, từ năm 2013, tiền ảo Bitcoin bắt đầu vào Việt Nam, kéo theo sự góp mặt của hàng loạt đồng tiền ảo khác, như: Ethereum (ETH), Tether (USDT), Binance Coin (BNB)..., thu hút người quan tâm và tham gia đầu tư bởi sự hấp dẫn quảng cáo về lợi nhuận thu được từ việc tăng giá của các loại tiền này khi đầu tư.

Các hoạt động giao dịch ngầm, đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO) diễn ra khá sôi động, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp biến tướng ngày càng diễn biến phức tạp.

Lợi dụng một bộ phận người dân thiếu kiến thức về công nghệ, ngân hàng, tài chính số..., không ít đối tượng đã “săn” người có tiền, người cao tuổi, người ham lợi nhuận..., dụ dỗ họ vào “cuộc chơi”. Với cách tiếp cận khôn ngoan, thâu tóm tâm lý người tham gia, không ít người bị mê hoặc bởi những con số lợi nhuận khổng lồ được hứa hẹn sẽ kiếm được chỉ trong thời gian ngắn khi đầu tư tiền ảo.

Nhiều trường hợp đã “trắng tay” khi lao vào đầu tư tiền ảo. Điển hình như ông H (ở Hà Nội), sau khi kết bạn qua Zalo và Telegram, ông được tài khoản “Angela Phương” mời tham gia đầu tư tiền ảo qua website decexswap.com, sau đổi tên miền thành fiatlesscoin.com. Tham gia một thời gian và rút lợi nhuận được 300 triệu đồng, ông H tiếp tục đầu tư... Nhưng khi số tiền đầu tư lên đến gần 30 tỷ đồng và không rút được tiền lãi, ông H mới nhận ra bị lừa.

Tương tự, khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua tiền ảo có tên QFS với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng vì tin sẽ “gặt hái” được lợi nhuận cao khi giao dịch mua bán qua các sàn giao dịch nội bộ.

Qua trinh sát, lực lượng chức năng phát hiện Hồ Quốc Thân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Triệu Nụ Cười (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có hành vi lừa đảo thông qua việc đưa thông tin không đúng sự thật về tiền QFS. Đầu tháng 3 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra Hồ Quốc Thân về các tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Tàng trữ tiền giả".

Dấu hiệu lừa đảo

Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình cho việc nhà đầu tư bị "sập bẫy" tiền ảo. Các ổ nhóm tội phạm lợi dụng đặc tính lan tỏa của thông tin trên không gian mạng, đưa ra lời quảng cáo, chào mời hấp dẫn về lãi suất, hoa hồng..., nhằm đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Trong khi đó, môi trường mạng lại có khả năng xóa dấu vết và tính “ẩn danh” rất cao, nên nhà đầu tư không biết doanh nghiệp đang kêu gọi thu hút vốn ở đâu, kinh doanh cái gì nhằm tạo ra nguồn tiền để trả lợi nhuận ở mức rất cao như vậy cho nhà đầu tư…

Việc đầu tư tiền ảo qua các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho nhà đầu tư vì ở Việt Nam chưa có sàn giao dịch tiền ảo nào được Nhà nước công nhận và hoạt động hợp pháp. Mặt khác, tiền ảo cũng chưa được pháp luật Việt Nam công nhận là tài sản, không phải là phương tiện thanh toán. Công an thành phố Hà Nội đã liên tục khuyến cáo, đưa thông tin để người dân nhận diện hành vi lừa đảo.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng chỉ rõ một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa. Phổ biến là hình thức lừa đảo về kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên không gian mạng nhằm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối…

Trước sức “nóng” gia tăng các vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo, nhiều diễn đàn, hội thảo đã được tổ chức để nhận diện hành vi phạm tội. Tại cuộc tọa đàm về phòng, chống tội phạm tài chính trên không gian mạng (do Công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức cuối tháng 12-2024), các đại biểu nhận định, ngày càng xuất hiện nhiều đối tượng tạo ra những đồng tiền số không có giá trị, tạo lập cộng đồng để trao đổi, tạo “mồi nhử” lôi kéo, lừa đảo người chơi. Những kẻ này còn thường xuyên tổ chức sự kiện, đưa "đối tác" đi nước ngoài để “tô vẽ”, đánh vào lòng tin người tham gia...

Nhìn từ thực trạng các cuộc lừa đảo tiền ảo hiện nay, một số cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra tội phạm phân tích, có 3 dấu hiệu chính để nhận biết lừa đảo.

Thứ nhất là huy động tài chính trái phép. Theo đó, người muốn đầu tư phải đóng một khoản tiền nhất định dưới nhiều danh nghĩa, hình thức khác nhau. Các dự án hay sản phẩm đưa ra thực chất chỉ là vỏ bọc, là cái cớ để che đậy hoạt động huy động tiền.

Thứ hai, giao dịch vận hành dựa trên sự lừa dối: Luôn cung cấp những thông tin sai sự thật về lợi ích của việc đầu tư, đặc biệt là tuyên truyền sai về thu nhập, tiền thưởng, lợi nhuận, hoa hồng mà những người đang hoặc sẽ đầu tư được hưởng, hoặc “tô vẽ” viễn cảnh giàu sang, không làm gì cũng có thu nhập cao.

Thứ ba, người tham gia sẽ được trả công cho việc lôi kéo người tham gia đầu tư. Khoản hoa hồng, tiền thưởng trả cho người đầu tư chính là tiền công dụ dỗ, lôi kéo thêm người mới đầu tư. Số tiền này được trích ra một phần từ khoản thu của người tuyến dưới mới tham gia. Bản chất của hành vi này vẫn là lấy tiền của người vào sau trả cho người vào trước, tuyến trên trong mạng lưới. Khi không còn người đóng tiền, hệ thống tức khắc sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ mất tiền đầu tư.

Do nhiều người thiếu kiến thức về tiền ảo nên dù cơ quan chức năng đã cảnh báo, cạm bẫy vẫn tiếp tục mở ra và số nhà đầu tư trở thành nạn nhân vẫn không ngừng tăng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tiền ảo - thách thức trong thời đại công nghệ số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.