(HNM) - Năm nào cũng ra quân kiểm tra, xử phạt hoạt động khai thác cát, sử dụng bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) nhưng vi phạm đâu lại vào đấy.
Để tái diễn với quy mô lớn, trải rộng trên nhiều địa bàn chắc chắn có lỗi của các cơ quan chức năng cấp thành phố (TP) chứ không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của các cấp chính quyền quận, huyện, phường, xã. Bởi đến nay, bản quy hoạch tổng thể làm cơ sở cho công tác quản lý cũng chưa có. Đó là ý kiến của đại diện một số sở, ngành, quận, huyện khi đề cập đến vấn đề bức xúc này.
Chỉ 30% diện tích bãi chứa có hợp đồng thuê đất
Nạn khai thác cát trái phép gây ảnh hưởng đến hệ thống đê kè, ô nhiễm môi trường. Ảnh: Bảo Lâm
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sử dụng bãi chứa, trung chuyển VLXD của 45 tổ chức, cá nhân thuộc quận Long Biên và các huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh. Kết quả cho thấy, tổng diện tích đất sử dụng làm bãi chứa, trung chuyển VLXD của 45 tổ chức, cá nhân là 545.560m2. Trong số này, chỉ có 30% diện tích có hợp đồng thuê đất đúng quy định. Phần diện tích còn lại là do UBND cấp xã, HTX nông nghiệp dịch vụ tạm giao hoặc cho thuê trái thẩm quyền (chiếm 66%). Đoàn kiểm tra cũng phát hiện có 12/45 đơn vị, cá nhân có thủ tục pháp lý về môi trường (27%); 30/45 đơn vị, cá nhân có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa (67%); 15/45 đơn vị, cá nhân đã có văn bản đình chỉ hoạt động của UBND cấp huyện, xã nhưng chưa thực hiện (36%).
Tại xã Liên Trung (huyện Đan Phượng), cả 4 hợp đồng thuê đất của các Công ty CP Tuấn Quỳnh, CP Ngọc Hà, TNHH Chiến Thắng, TNHH Thành Đô đều hết hợp đồng từ cuối năm 2005, nhưng từ đó đến nay hằng năm UBND xã Liên Trung vẫn thu tiền thuê đất của các đơn vị này.
Cũng qua kiểm tra ở các xã Liên Trung, Trung Châu, Thọ An, Hồng Hà, có 7/9 đơn vị tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tổng số 19.400m3 cát đen tại bãi chứa… Tại huyện Đông Anh, qua kiểm tra chưa có đơn vị nào thực hiện các thủ tục về môi trường; chỉ có 7/18 đơn vị đang hoạt động bãi chứa và trung chuyển VLXD có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. 2 đơn vị đang hoạt động trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc là Công ty TNHH Vĩnh Ngọc (sử dụng 6.104m2 đất bãi) và Công ty CP Xây dựng Sông Hồng (sử dụng 2.900m2 đất bãi) vẫn đang khai thác cát dù UBND huyện Đông Anh đã có văn bản yêu cầu xã Vĩnh Ngọc hủy hợp đồng trái phép và đình chỉ hoạt động…
Vẫn chờ quy hoạch
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Hùng, nạn khai thác cát trái phép bằng hình thức hút cát từ lòng sông đưa lên tàu vận chuyển đến các bãi chứa ven bờ chính là nguy cơ gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng tới hệ thống đê kè, ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên và vi phạm trật tự trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản. Trên thực tế, xử lý các hành vi vi phạm này gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo ngành công an phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, xử lý thường xuyên như bắt tàu hút cát trái phép, xử phạt hành chính, thu giữ tang vật…nhưng vi phạm vẫn tiếp diễn.
Đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường (CATP Hà Nội) cho rằng, quy định hiện hành cho phép tịch thu tang vật vi phạm, nhưng hầu hết tàu thuyền hút cát đồng thời là nơi ăn ở của gia đình đối tượng vi phạm. Do đó, lực lượng chức năng chỉ thu giữ máy bơm, ống hút… và xử phạt hành chính. Để xử lý dứt điểm tình trạng này đòi hỏi TP phải có các giải pháp đồng bộ chứ chỉ đuổi và phạt thì hiệu quả không cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh băn khoăn, với tang vật vi phạm, nếu chỉ thu giữ máy bơm, ống hút thì không nghiêm, nhưng nếu làm nghiêm tịch thu cả tàu thì sẽ đẩy một gia đình nhẹ là mất chỗ ăn ở, nặng có thể dẫn đến phá sản. Kể cả khi làm mạnh tịch thu thì giữ phương tiện ở đâu cũng là bài toán khó cho chính quyền địa phương. Hay với số cát (cũng là tang vật vi phạm) có tịch thu hay không bởi điều này vượt thẩm quyền của quận, huyện. Thực tế hiện nay đang tồn tại mỗi địa phương xử lý một kiểu. Do đó, TP cần quy định rõ với chế tài cụ thể, cấp TP xử lý mức độ nào; quận, huyện được xử lý đến đâu và phường, xã phải làm gì; liên ngành phối hợp ra sao?... Cùng quan điểm này không ít lãnh đạo các quận, huyện thừa nhận đây là lĩnh vực hoạt động siêu lợi nhuận nên nhiều tổ chức, cá nhân làm mọi cách để được khai thác, kinh doanh, các đối tượng bình thường không dễ "nhảy" được vào địa hạt béo bở này. Vì vậy, lâu nay mỗi lần thanh kiểm tra, thấy vi phạm rồi lại đổ lỗi cho quận, huyện là chưa hợp lý. Hoạt động này liên quan đến nhiều sở, ngành (TN&MT, GTVT, Công an, NN&PTNT...). Việc lập quy hoạch tổng thể các điểm khai thác cát, TP chưa giao cho sở, ngành nào chấp bút. Kiểm tra, xử phạt xong đâu lại vào đấy, nên có những điểm tồn tại lâu đến độ có tên gọi như bến Vôi ở huyện Gia Lâm; bến Bạc, bến Chèm ở Từ Liêm… Còn "tế nhị" trong quản lý, lúng túng trong xử lý thì vấn nạn này còn "đất" tồn tại.
Vậy, mấu chốt vẫn là TP phải sớm có bản quy hoạch tổng thể các điểm khai thác cát, bãi chứa và trung chuyển VLXD. Việc quản lý, khai thác đều phải tuân thủ quy hoạch này. Quy hoạch sẽ xác định cụ thể địa điểm, quy mô phù hợp rồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức giải phóng mặt bằng, sau đó cho các tổ chức, cá nhân thuê để kinh doanh, khai thác. Có như vậy, hoạt động này mới dần đi vào nền nếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.