(HNM) - Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010, có thể thấy những thay đổi trong nội dung quản lý tài chính công như:
Tuy nhiên, cải cách tài chính công vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Do vậy, trong Chương trình tổng thể CCHC 10 năm tới (2011-2020) đây vẫn là một trong những nội dung lớn cần thực hiện.
Thời gian qua đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm minh bạch hóa nền tài chính công. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp áp dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý nguồn ngân sách. Dự án triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) là cấu phần lớn nhất của dự án Cải cách quản lý tài chính công, đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì triển khai trong khuôn khổ "Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010". Với mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý tài chính công, các chức năng và quy trình trong TABMIS được thiết kế, xây dựng dựa trên một số chuẩn mực và thông lệ trên thế giới như: Mô hình kho bạc tham khảo (TRM); kế toán trên cơ sở dồn tích; tài khoản kho bạc duy nhất (TSA); phân loại mã tài khoản và mục lục ngân sách thống nhất; quản lý nợ, quy trình ngân sách… TABMIS được xây dựng và triển khai trong toàn bộ hệ thống Kho bạc Nhà nước, kết nối với cơ quan tài chính các cấp (trung ương, tỉnh, huyện) cung cấp thông tin tới các bộ, sở kế hoạch và đầu tư. Hệ thống này cũng được kết nối tới các bộ chuyên ngành và thí điểm kết nối tới một số đơn vị sử dụng ngân sách. Thông qua hệ thống này sẽ chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ ngân sách và kho bạc phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc phân bổ nguồn ngân sách, hướng tới mở rộng kết nối với các cơ quan liên quan trong việc sử dụng ngân sách.
Dự án TABMIS có kế hoạch triển khai trên toàn quốc nhưng đến nay, cả nước mới có 45 tỉnh, TP áp dụng. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nếu áp dụng hệ thống quản lý này sẽ có cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc, có khả năng tích hợp, kết nối và xử lý tập trung dữ liệu trong toàn ngành tài chính... Tuy nhiên, áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý tài chính công là việc mới, không dễ dàng thực hiện, vì thế để áp dụng cùng một hệ thống quản lý tài chính trên toàn quốc đòi hỏi sự nhiệt tình tâm huyết của cán bộ công chức và sự quyết tâm của lãnh đạo từng đơn vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.