(HNM) - Hiện nay, tình trạng rau, quả Trung Quốc tràn ngập thị trường không chỉ làm hạn chế sức tiêu thụ nông sản Việt Nam, ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của nông dân mà còn là mối lo ngại của người tiêu dùng về mức độ an toàn. Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát tình trạng trên vẫn là vấn đề nan giải.
Hiện nay, tại các chợ rau, quả đầu mối của Hà Nội như Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông... đều tràn ngập các loại rau, củ, quả mẫu mã đẹp. Chị Nguyễn Thị Tuyển, tiểu thương chuyên nhập rau quả tại chợ Long Biên giao cho các nhà hàng, quán cà phê cho biết, đa phần hoa quả nhập đều là hàng Trung Quốc. Trái cây Trung Quốc đẹp mã, quả to, tươi nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhiều loại được các thương nhân giới thiệu xuất xứ ở Đà Lạt, Lào Cai nhưng rất khó xác định. Theo lời chị Tuyển, rau quả ngoại nhập giá cả phải chăng, bảo quản lâu nên dễ bán, trong khi rau quả Việt Nam nhanh hỏng, thời gian bảo quản ngắn nên các tiểu thương ít mua.
Người dân nên cẩn thận khi lựa chọn những loại hoa quả được bày bán trên thị trường. |
Thực tế, mặc dù Việt Nam là nước có thế mạnh về nông sản nhưng từ củ hành, tỏi đến cà chua, khoai tây... đều nhập từ Trung Quốc. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc khoảng 52,25 triệu USD, chiếm 45,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả. Vì vậy, nếu không sớm có biện pháp kiểm soát thì rau, quả Việt Nam sẽ rơi vào cảnh ế ẩm, nông dân sẽ bị ảnh hưởng lớn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, Việt Nam thường sản xuất theo thời vụ nên sản phẩm chưa phong phú. Đây chính là yếu tố khiến rau quả trái vụ Trung Quốc chiếm ưu thế.
Bên cạnh vấn đề mẫu mã thì giá cả là yếu tố khiến rau quả Việt Nam thua ngay trên "sân" nhà. Theo lời các "nhà buôn" lớn: Đào, dưa vàng và cam Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) giá chỉ 3.400 đồng/kg; táo, lê giá 3.700 đồng/kg… nên mặc dù biết thông tin về dư chất bảo quản trên trái cây Trung Quốc nhưng giá rẻ dễ bán nên nhiều tiểu thương vẫn nhập. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, các mặt hàng rau quả nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu nếu có giấy chứng nhận xuất xứ hàng nhập từ Trung Quốc thì thuế nhập khẩu là 0%, chưa kể rau củ không chịu thuế VAT. Lợi thế về giá đã đẩy hàng Việt Nam xa với người tiêu dùng dù mức độ an toàn của rau, quả Trung Quốc còn chưa được khẳng định. Chúng ta đã phát hiện cải thảo Trung Quốc có chứa chất bảo quản không an toàn, chất cấm trong vỏ bọc táo và một vài cảnh báo của các nước trên thế giới về hàm lượng thuốc BVTV quá mức cho phép trên rau quả Trung Quốc. Mới đây nhất, Cục BVTV còn phát hiện 2 mẫu nho nhập từ Trung Quốc có dư lượng chất difenoconazole và cypermethrin gấp 3-5 lần so quy định, 1 mẫu khoai tây có dư lượng cholorpyrifos ethyl gấp 3 lần quy định.
Theo Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 của Bộ NN& PTNT, các trạm kiểm dịch thực vật vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại vừa đảm nhiệm thêm chức năng kiểm tra về VSATTP. Tuy nhiên, việc kiểm dịch hết sức khó khăn do các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu, sân bay, bến cảng đều chưa có phòng thí nghiệm và nhân lực để có thể phân tích các chỉ tiêu về VSATTP. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, việc kiểm tra rau quả chủ yếu dựa vào cảm tính, cảm quan. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường mới lấy mẫu gửi về 2 phòng phân tích tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để kiểm tra, sau 7 ngày mới có kết quả, trong khi nông sản tươi không để lâu ở cửa khẩu nên phải cho lưu thông ngay. Vì vậy, nếu sau 7 ngày, kết quả kiểm tra phát hiện có chất cấm... thì lô hàng tiếp theo mới bị kiểm soát chặt chẽ. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng, việc kiểm soát chất lượng rau quả được nhập vào thị trường Hà Nội cần bắt đầu từ các cửa khẩu, vì khi đã len được vào các chợ nội thành thì dù có đi lấy mẫu phân tích cũng khó có thể kiểm soát hết được. Người tiêu dùng cần có chính kiến và ý thức bảo vệ sức khỏe của mình thông qua việc chọn lựa những mặt hàng có xuất xứ rõ ràng để bảo đảm cho sức khỏe của chính mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.