Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý phòng khám tư nhân: Có phải lực bất tòng tâm?

Vân Anh| 06/09/2013 05:46

(HNM) - Sau nỗ lực quản lý, hoạt động khám - chữa bệnh của các cơ sở y tế tư nhân có đi vào

LTS: Trước tình trạng vi phạm quy định về hành nghề y dược tư nhân diễn ra liên tiếp, ngày 3-9, Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với 29 bệnh viện ngoài công lập, gần 150 phòng khám (PK) tư nhằm chấn chỉnh hoạt động khám - chữa bệnh (KCB) của loại hình y tế này. Trong 8 tháng qua, đã có 10 lượt cơ sở y tế ngoài công lập được thanh tra, kiểm tra và 4 trong số đó đã bị phạt hành chính với số tiền gần 130 triệu đồng… Sau nỗ lực quản lý, hoạt động KCB của các cơ sở y tế tư nhân có đi vào "quỹ đạo" như mong muốn của cơ quan chức năng và người dân?

Bài 1: Công không ít, tội cũng nhiều

Cả nước hiện có hơn 65 nghìn cơ sở y dược tư nhân, đa số tập trung ở thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại Thủ đô, tính đến hết tháng 7-2013, có 2.518 cơ sở KCB ngoài công lập, trong đó có 28 bệnh viện, 185 PK đa khoa, 1.352 PK chuyên khoa, 706 cơ sở y học cổ truyền. Hệ thống này hoạt động ra sao, có gì đáng nói?

Khám và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.


Góp phần giảm tải, đáp ứng nhu cầu

Theo thống kê của Viện Chiến lược và chính sách y tế, các cơ sở y tế ngoài công lập hiện cung ứng 43% tổng số dịch vụ ngoại trú và 2,1% dịch vụ nội trú cho người dân. Riêng ở Hà Nội, theo Sở Y tế, mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt bệnh nhân tới KCB tại bệnh viện, PK tư, trong đó BV Đa khoa 16A Hà Đông thực hiện 125.765 lượt khám, Vinmec là 41.417 lượt, Hồng Ngọc - 76.104, Việt Pháp - 86.838, Tràng An - 91.151 lượt… Một số cơ sở KCB như Vinmec, Việt Pháp, Hồng Ngọc, Medlatec đang triển khai nhiều kỹ thuật chuyên môn hiện đại: Chụp MRI, CT-Scanner, chụp mạch, siêu âm 4D, kỹ thuật mổ tim mở, phẫu thuật u não, phẫu thuật thay chỏm xương đùi, cắt gan, kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật Lasic, phẫu thuật Phaco… Sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân góp phần đáp ứng nhu cầu KCB đa dạng của người dân, tạo cơ chế cạnh tranh và buộc các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đơn giản là bởi trong điều kiện đa dạng hóa loại hình dịch vụ y tế, người dân sẽ chọn nơi có đội ngũ bác sĩ giỏi, thái độ phục vụ tốt.

Trong hệ thống y tế ngoài công lập, PK tư chiếm vị trí quan trọng. Thực tế cho thấy là khi mắc bệnh thông thường, người bệnh thường lựa chọn PK tư thay vì trạm y tế xã, phường dù trên địa bàn thành phố hiện có 577 phường, xã, thị trấn có trạm y tế, tuyệt đại đa số đạt chuẩn, 90% có bác sĩ và 70% có đủ trang thiết bị theo danh mục. Dịch vụ y tế có tính đặc biệt, người bệnh thường đánh giá chất lượng dịch vụ qua hiện trạng cơ sở vật chất, thái độ ứng xử của nhân viên y tế, quy trình KCB chứ ít biết về những vấn đề mang tính chuyên môn sâu. Nắm được tâm lý này, các cơ sở y tế tư nhân tập trung đầu tư cho việc đáp ứng đòi hỏi của bệnh nhân. Người bệnh đến PK tư không mất nhiều thời gian chờ đợi, có thể khám ngoài giờ làm việc, được thăm khám tận tình và chăm sóc chu đáo hơn.

Thanh tra là ra sai phạm

Theo đánh giá của ngành y tế, dù góp phần đáp ứng nhu cầu KCB của người dân, san tải cho các bệnh viện công nhưng tại các cơ sở hành nghề y tư nhân vẫn tồn tại nhiều sai phạm khiến dư luận bức xúc. Kết quả thanh - kiểm tra trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm nay cho thấy, sai phạm có tính hệ thống ở loại hình này, phổ biến là lạm dụng xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng trong công tác KCB; khám bệnh không đúng phạm vi chuyên môn, giá dịch vụ cao, quảng cáo không đúng với nội dung đăng ký, sử dụng người nước ngoài làm công việc chuyên môn nhưng không xin phép cơ quan quản lý, sử dụng dược phẩm "chui"…

Theo thống kê của Bộ Y tế, có hơn 60 BV tư và hơn 1.000 PK tư có hệ thống xét nghiệm, nhưng tình trạng lạm dụng xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng không chỉ xảy ra ở những cơ sở này. Các PK tư liên kết rất chặt chẽ với những nơi có labo xét nghiệm và hầu hết bệnh nhân của PK tư được giới thiệu đến "địa chỉ tin cậy" để chụp, chiếu, xét nghiệm... Không chỉ tận thu từ bệnh nhân, nhiều cơ sở hành nghề y dược tư nhân có xu hướng "rút ruột" quỹ KCB của Bảo hiểm y tế (BHYT). Các cơ sở y tế ngoài công lập này ngày càng "thích" tham gia KCB ban đầu cho người có thẻ BHYT, một phần là để tăng số lượng bệnh nhân đến khám, phần nữa cũng nhằm có thêm nguồn thu từ "phía thứ 3" - tức quỹ BHYT. Đến nay, có hơn 471 cơ sở y tế tư nhân có ký kết với Bảo hiểm xã hội để khám cho người có BHYT. BHXH Việt Nam từng phát hiện rất nhiều BV tư "tăng cường" chỉ định siêu âm, xét nghiệm để tận thu quỹ BHYT. Thậm chí, nhiều cơ sở y tế tư nhân còn tặng quà khuyến mãi cho người dân có thẻ BHYT đến khám tại cơ sở đó, "có cơ chế" cho người đưa bệnh nhân tới khám, quảng cáo đưa đón miễn phí, hỗ trợ tiền ăn trưa, đề ra phương thức "cùng chi trả"… Hiển nhiên là để bù đắp cho những chi phí nói trên, cơ sở y tế hoặc phải "chặt chém" người bệnh, hoặc phải tìm cách "moi" Quỹ BHYT. Kết quả kiểm tra của Bảo hiểm Xã hội còn chỉ ra rằng, nhiều PK đa khoa tư nhân có mức chi cho dịch vụ xét nghiệm lên tới 70% tổng chi phí KCB BHYT, trong khi tỷ lệ chi cho thuốc chỉ khoảng 30%; có nơi lập khống phiếu thanh toán ra viện nhằm thanh toán với Quỹ BHYT, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Để lôi kéo bệnh nhân, nhiều PK quảng cáo rất mạnh, đặc biệt là PK có yếu tố nước ngoài. Trong những đợt thanh tra diện rộng, tỷ lệ PK quảng cáo quá phạm vi cho phép chiếm tỷ lệ lớn, có nơi lên đến 100% như ở TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, mới đây PK 12 Kim Mã đã bị "tuýt còi" vì quảng cáo không đúng với nội dung đã xin phép khi giới thiệu liệu pháp ozon chữa bệnh viêm gan. Một dạng sai phạm khác mà lần thanh tra nào cũng thấy, đó là việc sử dụng bác sĩ người nước ngoài không phép. Theo thống kê gần đây, cả nước có 67 thầy thuốc nước ngoài đăng ký làm việc tại 17 tỉnh, thành phố, tập trung đông nhất ở Hà Nội (20 người), TP Hồ Chí Minh (15), trong đó có 63 người mang quốc tịch Trung Quốc. Thống kê là vậy nhưng trên thực tế, số người nước ngoài hành nghề y ở nước ta đông hơn nhiều, phần lớn là hoạt động "chui", thế nên mới có chuyện bác sĩ nước ngoài "chạy nháo nhào như vịt" khi ngành chức năng TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra.

Số lượng PK tư rất lớn, rải trên địa bàn rộng nên khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Nhưng, cái khó trong công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân không chỉ do nguyên nhân khách quan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý phòng khám tư nhân: Có phải lực bất tòng tâm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.