(HNM) - Trên đường phố Hà Nội hằng ngày có biết bao gánh hàng rong của người di cư từ nông thôn về thành phố kiếm sống. Quản lý người di cư tự do là một mặt của công tác quản lý đô thị. Dưới góc nhìn của những người nghiên cứu về giới, hiện tượng xã hội này đòi hỏi chính sách quản lý phù hợp.
Nhiều người nhập cư tự do tại Hà Nội chọn bán hàng rong làm kế sinh nhai. Ảnh: Khánh Nguyên |
Vì sao phải "bắt cóc bỏ đĩa"?
Trong những năm gần đây, lượng dân di cư từ các tỉnh vào thành phố ngày càng đông. Không kể những người đi làm thuê tự do và giúp việc gia đình, phần lớn người di cư hành nghề buôn bán nhỏ. Do không đủ điều kiện để có một chỗ bán hàng cố định nên họ phải bán hàng rong. Hình thức này, tuy không phù hợp với các chính sách quản lý trật tự, mỹ quan đô thị nhưng lại là lựa chọn duy nhất phù hợp với khả năng của một bộ phận người di cư và phần nào đáp ứng được nhu cầu mở rộng dịch vụ bán lẻ cho cư dân thành phố trong khi hệ thống dịch vụ thương mại của Hà Nội chưa đáp ứng được. Điều đáng nói là, loại hình dịch vụ tự phát tồn tại cho đến nay không được quy hoạch, quản lý sắp xếp nên đã để lại những vấn đề bất cập nhất định như hình thành tự phát chợ tạm, chợ cóc, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xả rác bừa bãi, cản trở, giao thông. Tình trạng này gây lộn xộn, không dễ dàng một sớm một chiều kiểm soát nổi và cực chẳng đã cơ quan quản lý sử dụng biện pháp "cấm". Cách làm này thiếu hiệu quả, xét về mặt quản lý trật tự đô thị, làm lao động di cư gặp nhiều khó khăn hơn. Theo một khảo sát của Viện Gia đình và Giới, trong số 700 người di cư được hỏi, có 47,8% nói rằng họ thường bị công an, quản lý thị trường phạt hoặc thu hàng hóa, dụng cụ bán hàng. Chị Nguyễn Thị Hồng, 35 tuổi, người Hưng Yên cho biết: "Việc cấm bán hàng rong làm chúng tôi khốn khổ vô cùng. Tôi chỉ đi bán rong lén lút thôi chứ có công an thì chẳng dám ngồi, có người gọi mua cũng chẳng dám đỗ lại. Khổ lắm, lúc nào cũng phải "mắt to hơn người", ngó trước ngó sau xem có công an, dân phòng không. Tôi đã từng bị bắt hàng nhiều lần rồi. Mỗi gánh hoa quả vài trăm nghìn đồng, chưa kể tiền rổ rá, quang gánh cũng là tiền trăm. Trong suy nghĩ của các anh công an, dân phòng, có lẽ, người nhà quê chúng tôi đã làm loạn Hà Nội". Lao động di cư lao đao là một nhẽ, điều đáng nói là cái sự "cấm", dẹp hàng rong, chợ cóc, chợ tạm của các lực lượng chức năng luôn rơi vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng nghiên cứu Phụ nữ, Viện Gia đình và Giới thì gốc rễ của sự vi phạm, được cho là lỗi của người di cư lại là hậu quả của sự yếu kém trong quản lý đô thị, thiếu tầm nhìn trong quy hoạch giao thông và bố trí sắp xếp các khu buôn bán cho người di cư, đồng thời không có sự hướng dẫn quản lý của các ban, ngành liên quan. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi chính quyền thành phố giao nhiệm vụ cho các phường phải quy hoạch, sắp xếp tạo điều kiện cho người bán hàng rong có được chỗ ngồi ổn định, tại những địa điểm tập trung. Trên thực tế, hiếm có phường nào có thể bố trí chỗ bán hàng cho người di cư buôn bán nhỏ như theo quy định trên và nguyên nhân chủ yếu là do không có đất làm địa điểm.
Xấu hay đẹp là do cách "quản"
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, tại các nước châu Âu và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan… người ta vẫn cho phép bán hàng rong trên các quảng trường lớn. Ở quảng trường thành phố Lund, Thụy Điển, từ 6h sáng, người ta bán đủ các loại rau quả, cá tôm, đồ cũ, đồ mới, nhưng đến 2h chiều, quảng trường đã được dọn sạch sẽ và trở thành điểm giữ xe dành cho dân từ các vùng lân cận vào trung tâm thành phố. Chính quyền ở đây quy định rất nghiêm ngặt về giờ giấc, cách giữ trật tự, giữ gìn vệ sinh quảng trường. Người bán hàng phải tự tay thu dọn rác, nếu nhân viên vệ sinh môi trường phát hiện rằng họ đã gây mất vệ sinh môi trường thì sẽ chịu một mức phạt tiền rất lớn. Cái sự phạt rất nghiêm nên không ai dám vi phạm.
Nói một cách công bằng, những lợi ích mà người di cư mang lại cho cả nơi đi và nơi đến là điều không thể phủ nhận. Lao động di cư nói chung và lao động di cư hành nghề buôn bán nhỏ nói riêng đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc xóa đói giảm nghèo. Do đó, có chỗ ngồi bán hàng một cách ổn định là mong muốn chính đáng của người dân lao động và cần được chính quyền nghiên cứu kỹ lưỡng. Trước khi phạt hay cấm người bán hàng rong, nên tập trung tuyên truyền ở những nơi tập trung đông người di cư để giúp họ hiểu được chủ trương và biết nơi họ có thể hành nghề. Bên cạnh đó, các khu chợ dân sinh, chợ truyền thống cần được quy hoạch hợp lý để người lao động có chỗ ngồi bán hàng ổn định, có quản lý và thu thuế nhằm xóa đi những cảnh bắt phạt, xua đuổi ngày này qua ngày khác đang làm xấu đi hình ảnh của thành phố.
Mặc dù chính sách quản lý người di cư luôn được các nhà xây dựng chính sách quan tâm sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, nhưng đôi khi, những thay đổi ấy tạo thêm những trở ngại mới cho người lao động di cư. Làm thế nào để góp phần bảo đảm cuộc sống cho người di cư, đồng thời giữ cho Hà Nội nét đẹp riêng lâu đời là một câu hỏi khó, nhưng rất cần được xem xét nghiêm túc, thận trọng; có tính khoa học, nhân văn và đồng bộ được sớm có lời giải bài toán hóc búa này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.