(HNM) - Đêm 5-11, lũ bùn xuất hiện tại xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng do sự cố vỡ đập chắn nước thải tuyển rửa quặng của Xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng (thuộc Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng - Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam - TKV).
Sự cố tràn bùn đỏ ở Cao Bằng xảy ra sau sự cố tràn hồ chứa bùn đỏ ở Hungary đe dọa cả châu Âu và đang là mối quan tâm của dư luận Việt Nam khi hai dự án khai thác bôxit và chế biến alumina tại Tây Nguyên đang được triển khai khiến cho dư luận và đặc biệt là những người dân sống ở khu vực bị ảnh hưởng càng thêm hoang mang.
Hao tiền, tốn của vẫn chưa hết lo
Sự cố vỡ đập chắn nước thải tuyển rửa quặng tại xã Duyệt Trung (Cao Bằng) đã làm bùn đỏ tràn ngập dọc hai bên bờ suối cùng những cánh đồng lúa và hoa màu, vùi lấp nhiều giếng nước của người dân ở xã Duyệt Trung; phương tiện giao thông bị dồn tắc vì không qua được dòng suối Nà Chúa đã bị bùn đỏ đặc quánh ngập với chiều dài khoảng 2km.
Trong 4 ngày liền sau sự cố, người dân và chính quyền địa phương đã khẩn trương dùng mọi phương tiện để thoát nước và đưa số bùn đất ra khỏi nhà dân và thông đường. Tuy nhiên, lượng bùn được múc đi không đáng kể, nước và bùn thải vẫn tiếp tục chảy xuống hạ nguồn đổ ra sông Bằng. Tại nơi con suối Nà Chúa đổ ra sông Bằng, dòng bùn vẫn tiếp tục chảy. Do hiện nay các cơ quan chức năng cũng như cơ quan chủ quản chưa công bố công khai các chất này sẽ gây hại lên cây trồng, nguồn nước của nhân dân khu vực bị tràn bùn đỏ nguy hại thế nào nên điều mà người dân lo ngại nhất là có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và đồng ruộng canh tác không và ảnh hưởng ở mức độ nào.
Ngày 10-11, đại diện UBND tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) cùng Tổng Công ty Khoáng sản VN (VIMICO) đã họp bàn và thống nhất giải pháp khắc phục hậu quả trận lũ bùn tại Duyệt Trung (Cao Bằng). Giải pháp được đưa ra là chặn dòng suối không cho bùn thải chảy ra sông Bằng, bùn thải sẽ được hút lên các bể chứa trên bờ và được trộn với đất khô thành chất thải rắn rồi được chở quay lại các hố chôn lấp của nhà máy.
VIMICO cho biết, đã chỉ đạo Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Cao Bằng huy động máy xúc, máy ủi, ống hút và hơn 400 công nhân đi dọc suối Nà Chúa dọn dẹp bùn thải. Hiện, TKV và VIMICO đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thúc đẩy tiến độ để tiến hành xây đập chứa số 5; đập số 4, nơi xảy ra sự cố đang được ứng trực 24/24 đề phòng sự cố tái diễn.
Hiện tại bùn thải ở suối Nà Chúa đã bị ngăn chặn hoàn toàn và không còn chảy ra sông Bằng. Hệ thống máy bơm, xe tải và hàng trăm công nhân đứng dọc con suối làm việc để đưa những khối bùn thải quay trở về nhà máy.
Tuy nhiên, với số lượng bùn thải lớn như thế này việc khắc phục tốn rất nhiều nhân lực và tiền của, đồng thời cũng phải mất vài tháng nữa mới có thể hoàn thành việc nạo vét bùn thải.
Cần làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm
Sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Cao Bằng đi kiểm tra con đập chắn thải bị vỡ - tác nhân gây ra cơn "lũ bùn đỏ" và yêu cầu XN khai thác quặng sắt Nà Lũng phải làm ngay cầu tạm để giải tỏa tình trạng tắc đường hiện nay, đồng thời dừng ngay việc bơm nước đẩy bùn ra sông Bằng, gây ô nhiễm dòng sông.
Nguyên nhân của vụ vỡ đập được Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng cho biết là do bờ đập được xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn cẩn thận nên móng đập đã bị thủng. Nhưng thực tế khảo sát thì thấy đập bị vỡ là do dưới đáy đập có một cống lớn dùng để xả thải mỗi khi có mưa lũ hằng năm. Lượng bùn đất trong đập sẽ theo mưa lũ rồi cuốn ra sông Bằng.
Năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng đã bị xử phạt 70 triệu đồng vì Xí nghiệp này có hành vi xả thải trộm. Chi cục Bảo vệ Môi trường cũng cho biết: Năm 2005, XN khai thác quặng sắt Nà Lũng đã tự ý xây dựng đập chắn thải số 4 (bể bị vỡ), đồng thời đập này cũng nằm ngoài phạm vi đất được cấp. Quan trọng hơn, mặc dù đây là đập cấp quốc gia nhưng XN không hề có bản vẽ thiết kế cũng như báo cáo tác động môi trường. Việc làm này đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường lập biên bản xử phạt và yêu cầu hoàn chỉnh mọi thủ tục. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, XN khai thác quặng sắt Nà Lũng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục trên.
Thực tế cho thấy, XN khai thác quặng sắt Nà Lũng đã vi phạm nghiêm trọng về Luật Môi trường khi tự ý xây dựng bể chắn thải. Tuy nhiên, trong vụ việc nghiêm trọng này, chính Sở Tài nguyên & Môi trường cũng chưa làm tròn trách nhiệm quản lý và giám sát được giao nên đã 5 năm trôi qua mà những sai phạm này vẫn không được xử lý triệt để. Hiện XN khai thác quặng sắt Nà Lũng lại đang tiến hành xây dựng tiếp đập chắn thải số 5.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.