(HNM) - Vấn đề đặt ra, để công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản chuyển biến rõ rệt cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền cơ sở...
Tuy nhiên, hiệu lực xử lý chưa cao, còn hiện tượng tái phạm sau đình chỉ. Vấn đề đặt ra, để công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản chuyển biến rõ rệt cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền cơ sở...
Sai phạm tràn lan
Theo kết quả kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông thuộc địa bàn các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, thị xã Sơn Tây và quận Tây Hồ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát hiện tình trạng chủ bãi tập kết cát, sỏi trong hành lang bảo vệ đê, trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn xảy ra tràn lan. Đáng chú ý, trong các trường hợp phát hiện vi phạm có nhiều chủ bãi tái phạm, không chấp hành quyết định xử lý của các đoàn kiểm tra trước đó.
Tại phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây), chính quyền địa phương đã thanh lý, hủy bỏ hợp đồng từ năm 2013 và năm nào cũng có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các chủ bãi chấp hành quy định về đất đai, đê điều. UBND phường cũng phối hợp tích cực với các ngành chức năng kiểm tra, thông báo cho các chủ bãi di dời, giải tỏa vật liệu tập kết trái phép ra khỏi bãi chứa, lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ bãi. Tuy nhiên, khi Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thì các bãi chứa sai phép này vẫn đang hoạt động. Tại xã Đường Lâm có 4 chủ bãi vi phạm về đất đai, đê điều, bảo vệ môi trường nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý dứt điểm...
Tại quận Bắc Từ Liêm, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 18 chủ bãi, phạt 100 triệu đồng và buộc khôi phục tình trạng ban đầu của thửa đất, yêu cầu chủ bãi di chuyển toàn bộ máy móc, vật liệu ra khỏi khu vực vi phạm. Tuy vậy, khi Sở Tài nguyên và Môi trường tái kiểm tra thì các chủ bãi chưa tổ chức di dời, giải tỏa triệt để… Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng chủ bãi chứa không có thủ tục pháp lý về đất đai, môi trường, vi phạm pháp luật đê điều, tiếp tục tái phạm, không di dời giải tỏa vật liệu xây dựng ra khỏi bãi chứa là những hành vi phổ biến. Chính quyền cấp huyện, cấp xã mới chỉ thực hiện việc ra văn bản xử lý, chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm…
Siết chặt quản lý
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về quản lý hoạt động khai thác bến bãi, khoáng sản dưới lòng sông, lực lượng chức năng huyện Ba Vì đã điều tra, xác định trên địa bàn hiện có 26 bãi tập kết, kinh doanh vật liệu ven sông, nhưng chỉ 6 bãi có đầy đủ giấy tờ pháp lý, 14 bãi thiếu giấy phép hoạt động bến thủy nội địa và cam kết bảo vệ môi trường, 6 bãi không đủ các loại giấy tờ; 10 bến bãi có tàu sông vận chuyển vật liệu, 9 tàu cuốc, 15 tàu hút neo đậu có hiện tượng lén lút khai thác cát… Cơ quan chức năng đã xử lý 13 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, tạm giữ 11 tàu sông, 5 tàu cuốc. Ngoài ra, huyện đang tổ chức rà soát, lập danh sách, xác định vị trí, địa giới hành chính mà các đối tượng, phương tiện hoạt động trái phép; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Từ thực tế cho thấy, hoạt động quản lý bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng gắn liền với công tác quản lý đất đai của chính quyền cấp xã, tuy nhiên, việc quản lý thiếu chặt chẽ, xử lý vi phạm chưa kiên quyết nên hiệu lực không cao. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, các địa phương phải hủy bỏ triệt để các loại văn bản dưới dạng hợp đồng hay hình thức khác để giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng đất bãi ven sông làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép; thực hiện các biện pháp cưỡng chế hành chính để kiên quyết giải tỏa vật liệu xây dựng trên bãi chứa hoạt động trái phép; kiên quyết xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân để xảy ra tình trạng vi phạm trong sử dụng đất ven sông làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng kéo dài… Lãnh đạo cấp xã cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, như vậy mới ngăn chặn và xử lý dứt điểm vi phạm.
Nhanh chóng lập lại trật tự, chấm dứt việc khai thác cát trái phép Ngày 12-10, chứng kiến tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực ven đê Sông Hồng thuộc xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên khẩn trương phối hợp triển khai lực lượng, cùng các đơn vị của Bộ Công an chủ động lên phương án xử lý triệt để bằng các biện pháp hành chính, kể cả xử lý hình sự. "Phải nhanh chóng lập lại trật tự, chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành chức năng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Cũng tại buổi thị sát, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã hứa với Phó Thủ tướng sẽ lên phương án cụ thể để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và một số điểm nóng dọc tuyến Sông Hồng từ nay đến hết tháng 11-2015. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.