Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý, khai thác hạ tầng hàng không: Giữ vững vai trò của nhà nước

Tuấn Lương| 03/04/2015 06:52

(HNM) - Hàng loạt vấn đề dư luận đang lo ngại xung quanh chủ trương xã hội hóa nhượng quyền khai thác các cảng hàng không sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền

Nhiều mối lo từ nhượng quyền

Chủ trương XHH nhượng quyền khai thác các CHK của Bộ GT-VT đã được các nhà đầu tư đón nhận, thể hiện qua việc hàng loạt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đề xuất xin được làm chủ các CHK Phú Quốc, Đà Nẵng, T1 Nội Bài… Thậm chí, một số CHK, nhà ga sân bay còn có tới vài nhà đầu tư cùng quan tâm. Nhưng cùng với đó là không ít ý kiến lo ngại những bất cập có thể phát sinh từ chủ trương này, bởi việc chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng CHK dân dụng vốn chưa có tiền lệ tại Việt Nam và chưa có khung pháp lý cụ thể.

Nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.


Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, trên thế giới việc cổ phần hóa hay tư nhân hóa các CHK diễn ra từ khá lâu và thực tế cho thấy đều mang lại những kết quả tích cực. Lợi ích của việc tư nhân hóa các CHK là Nhà nước sẽ thu được ngay một số vốn nhất định để tái đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng hàng không khác. Tuy nhiên, điều quan trọng trong việc tư nhân hóa CHK là phải có khung pháp lý về việc tư nhân quản lý CHK một cách cụ thể, rõ ràng; phải tổ chức việc tư nhân hóa các CHK đó một cách công khai minh bạch, có sự cạnh tranh bình đẳng, tránh việc định giá không được khách quan và chính xác gây thiệt thòi cho Nhà nước…

Một số ý kiến bày tỏ lo ngại lớn nhất khi nhà ga, CHK được giao vào tay tư nhân là vấn đề an toàn, an ninh hàng không. Bên cạnh đó, chúng ta cần có điều kiện ràng buộc rõ ràng về duy tu, bảo dưỡng nhằm tránh tình trạng bán xong rồi không quan tâm đến việc bảo đảm chất lượng công trình. Ngoài ra, cần khống chế về dịch vụ và giá cả, nếu không lại rơi vào tình trạng tư nhân tăng giá vô tội vạ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh, XHH là đúng chủ trương của Đảng để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, cần phải kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh trong lĩnh vực hàng không, bảo đảm phù hợp với cơ sở chính trị, yếu tố chính trị quân sự. Thứ hai là phải phù hợp với quy định pháp luật có liên quan. Cuối cùng là phải phù hợp với thực tiễn để bảo đảm vừa phát triển kinh tế nhưng không được phá vỡ thế trận phòng không nằm trong khu vực phòng thủ của các phân khu và cả nước.

Chủ động lựa chọn lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm

Trả lời về vấn đề độc quyền khi nhượng quyền khai thác CHK cho tư nhân, Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh nhận định, đó là lo ngại không có cơ sở. Việc sở hữu quyền khai thác nhà ga chắc chắn đem lại lợi ích tài chính cho nhà đầu tư. Song, Bộ GT-VT sẽ có trách nhiệm trong việc bảo đảm cho các nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác không lợi dụng vị thế độc quyền. Nhà nước phải nắm được quyền kiểm soát việc này, chứ không phải đã "làm chủ" thì "anh" muốn cho hay không cho hãng hàng không vào là được.

Là những hãng đang cạnh tranh "mua" nhà ga T1 - Nội Bài, đại diện Vietnam Airlines cho rằng, không dễ để một doanh nghiệp khai thác CHK có thể độc quyền. Quản lý nhà nước hoàn toàn có quyền can thiệp. Các doanh nghiệp chỉ có thể tự hoàn thiện mình và cạnh tranh sòng phẳng. Trong khi đó, đại diện Vietjet ví von: Sân bay hay siêu thị, cũng như chợ cao cấp, phải có giao lưu, có người đi, người đến và có một cơ chế công bằng với những người đến. Nếu "anh" cứ một mình một chợ thì ai đến với anh?

Liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, an toàn hàng không, tại buổi làm việc với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về chủ trương XHH nhà ga, CHK diễn ra ngày 24-3, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng khẳng định, không chuyển giao vai trò quản lý nhà nước tại CHK cho tư nhân. Theo đó, Nhà nước nắm giữ tất cả hoạt động liên quan đến bảo đảm an ninh quốc phòng, quản lý bay, quản lý vùng trời; chỉ nhượng quyền cung cấp dịch vụ những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của các doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng. Việc nhượng quyền không liên quan đến đất đai, vùng trời mà chỉ là nhà ga. Vùng trời do đơn vị quản lý bay quản lý tuyệt đối, điều hành bay là Nhà nước. Giá dịch vụ tại sân bay, CHK cũng là do Nhà nước quy định, mà cụ thể là Bộ Tài chính, còn việc xác định giá trị chuyển nhượng sẽ do một cơ quan độc lập, có thẩm quyền của Nhà nước thực hiện. Việc kêu gọi đầu tư sẽ được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định. Trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư, buộc phải đàm phán. Hai nhà đầu tư trở lên thì tổ chức đấu thầu theo quy định.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường, công trình thuộc sở hữu của ai thì vai trò quản lý nhà nước cũng không thay đổi. Các cơ quan quản lý nhà nước (trong đó có Bộ GT-VT) sẽ có trách nhiệm thiết lập cơ chế hoạt động chung. Nguyên tắc là không phân biệt chủ sở hữu, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích tổng thể của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, không để tình trạng các nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác có thể lợi dụng vị thế độc quyền...

Theo đề án "Huy động vốn XHH để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không" vừa được Bộ trưởng Bộ GT-VT phê duyệt, ước tính nhu cầu vốn dành cho lĩnh vực này lên tới 230.215 tỷ đồng cho giai đoạn 2015-2020. Trong số này, dự kiến khả năng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ 30.724 tỷ đồng (13,3%); nguồn vốn XHH từ doanh nghiệp 23.968 tỷ đồng (10,1%); nguồn vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%); vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%); phần còn lại (110.367 tỷ đồng) dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và hợp tác công - tư (48,4%).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, khai thác hạ tầng hàng không: Giữ vững vai trò của nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.