Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý karaoke trá hình: Dân bức xúc, cơ quan chức năng lúng túng

Thiện Mỹ| 08/01/2017 07:20

(HNM) - Trong khi loại hình kinh doanh karaoke đang bị siết chặt quản lý bởi Nghị định 103/ 2009/NĐ-CP thì một loại dịch vụ “na ná” mang tên “hát cho nhau nghe”, “cà phê music”, “karaoke miễn phí” đang mọc như nấm sau mưa, gây ô nhiễm tiếng ồn, mất an ninh trật tự, mỹ quan đô thị.

“Hát cho nhau nghe” tại quán cà phê vườn Hoa Sữa (phường Dương Nội, quận Hà Đông).


Để hoạt động, chủ cơ sở chỉ cần chiêu lách luật đơn giản là đăng ký kinh doanh giải khát nhưng phục vụ khách hát. Thực tế này đang gây bức xúc cho người dân và khiến chính quyền địa phương lúng túng trong xử lý…

Ngủ không yên, học không nổi!

Đoạn đường Lê Trọng Tấn, qua địa phận tổ dân phố Trung Bình, phường Dương Nội (quận Hà Đông) chỉ dài hơn 100m, có đến 4 quán cà phê “hát cho nhau nghe” nhạc ầm ĩ, dàn đèn nhấp nháy quay đảo như sàn nhảy. Quán được dựng lên hết sức tạm bợ bằng những hàng rào sắt hoặc cột tre, căng bạt che mưa nắng… 20h30 ngày 27-12-2016, có mặt tại quán cà phê vườn Hoa Sữa, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận lượng khách đã khá đông, ngồi kín một nửa quán.

Trên diện tích khoảng 100m2 có khoảng 40 chiếc bàn nhỏ, khách ngồi hướng lên màn hình rộng, dõi theo những người đang hát say sưa trên sân khấu. Hệ thống loa mở to, khuấy động cả một vùng. Bước chân ra khỏi quán lúc 21h, cậu trông xe cho biết: “Hôm nay trời lạnh nên ít khách hơn. Hôm nào trời ấm khách ngồi kín. Họ hát đến 11, 12h đêm là chuyện thường”. Chỉ cách cà phê vườn Hoa Sữa vài bước chân là quán cà phê biển nhớ ăm ắp người và loa mở hết công suất, tạo nên mớ âm thanh bùng nhùng, hỗn độn…

Cũng là quán cà phê, khách hàng thỏa đam mê ca hát mà không phải trả tiền, nhiều quán cà phê trong nội thành tổ chức trong nhà, tuy có cửa đóng kín nhưng vì không có hệ thống cách âm nên âm thanh vẫn vang ra ngoài. Những quán cà phê này nằm sát khu dân cư, nhiều quán lấn chiếm lòng, lề đường làm chỗ để xe cho khách… nhưng vẫn tồn tại trong nhiều năm. 21h30 ngày 30-12-2016, quán cà phê Hoa mộc trà ở số 230 phố Vũ Hữu (Thanh Xuân) vẫn nhấp nháy đèn màu, trong quán có màn hình hát karaoke và khách cũng đang say sưa hát. Tại địa điểm này có 2 quán cà phê karaoke liền nhau, đèn sáng choang, nhạc ầm ĩ. Còn ở chợ Zét, xóm Trại, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ có hẳn một quán hát dành cho những người đi chợ đêm. Sân khấu quán được dựng trên một chiếc ao nhỏ, ngày nào cũng ầm ĩ từ chiều tối đến tận nửa đêm, mặc cho người dân khu vực phản đối, có ý kiến phản ánh đến chính quyền địa phương...

Biết có nhà báo đến tìm hiểu về tình trạng này, các cụ cao niên ở tổ dân phố Trung Bình, phường Dương Nội đã đến phản ánh bức xúc về những quán karaoke “dã chiến” nằm dọc đường Lê Trọng Tấn. Một bà cụ hơn 80 tuổi chống gậy đến than: Ngày nào nhạc nhẽo cũng “đổ” vào tai chúng tôi. Suốt 3, 4 năm nay, thân già này chưa đêm nào được ngủ yên; các cháu nhỏ không sao học hành nổi…

Nơi kiên quyết, nơi kêu khó!

Trái với phản ánh của người dân, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội cho biết các quán cà phê hát cho nhau nghe dọc đường Lê Trọng Tấn hoạt động mới một năm nay trên diện tích đất nông nghiệp xen kẹt (?). Trong năm 2016, qua 3 lần kiểm tra đột xuất đã phát hiện 5 cơ sở sử dụng loa công suất lớn, gây tiếng ồn vượt mức cho phép; một số quán còn lấn chiếm lòng đường để xe. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra của phường chỉ xử lý được hành vi gây ồn ào trong khu dân cư sau 22h theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP và hành vi để xe ô tô không đúng nơi quy định… Còn với hoạt động hát không thu tiền rất khó xử lý vì đây không phải là loại hình kinh doanh karaoke nên không thể xử phạt theo Nghị định 103.

Trên địa bàn huyện Hoài Đức có khoảng 12 cơ sở “hát cho nhau nghe”. Bên cạnh những quán “cắm” tại vị trí cố định còn có những quán di động, buổi tối mới tận dụng các khu đất trống ven đường bán cà phê, đồng thời có màn hình lớn cùng với hệ thống loa, âm ly cho khách hát. Nếu muốn xử lý về tiếng ồn theo Nghị định 179/ 2013/NĐ-CP thì không có căn cứ vì Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức không có máy đo tiếng ồn. “Vì vậy nhiều cơ sở kinh doanh được nhắc nhở, đã tạm dừng hoạt động, nhưng chỉ được thời gian ngắn lại tái phạm…” - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức Đỗ Văn Thúy cho hay.

Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 16-12-2009 quy định, cơ sở kinh doanh dịch vụ tổ chức hoạt động karaoke tại nơi kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của khách dù không thu riêng tiền dịch vụ karaoke mà chỉ thu tiền ăn, uống hoặc dịch vụ khác tại phòng hát karaoke cũng phải có đủ điều kiện kinh doanh karaoke và phải được cấp giấy phép theo quy định… Tuy nhiên, chi tiết “tại phòng hát karaoke” không được giải thích rõ nên nhiều nơi không có cách hiểu thống nhất dẫn đến việc áp dụng không giống nhau.

Nói về những khó khăn trong xử phạt loại hình kinh doanh này, bà Phan Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Bắc Từ Liêm cho hay: “Quận có 17 cơ sở kinh doanh đồ uống giải khát có hoạt động tổ chức hát karaoke cho khách nhưng không thu tiền. Vì không có máy đo tiếng ồn nên nếu muốn xử lý vi phạm phải mời Thanh tra Sở về phối hợp. Trong năm 2016, quận đã kiểm tra, 100% chủ cơ sở cam kết sẽ dỡ bỏ màn hình, không tổ chức hát. Song, để xử lý hoạt động này cần có hệ thống các quy định chặt chẽ, phù hợp vì nếu áp các quy định quản lý karaoke e rằng sẽ không thỏa đáng vì rất nhiều nơi hát karaoke nhưng không thỏa mãn điều kiện hát “tại phòng hát karaoke”.

Là địa bàn có đến 40 cơ sở kinh doanh cà phê “hát cho nhau nghe” ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông nêu khó khăn: Những cơ sở này thường xuyên hoạt động quá giờ, âm thanh gây ồn ào nhưng khó xử lý về độ ồn vì khi thấy cán bộ Phòng đến kiểm tra, chủ cơ sở lập tức vặn nhỏ âm thanh; trong khi đó quy định để xử lý loại hình này chưa cụ thể nên khó thực hiện…

Nhưng khác với các địa phương trên, quận Thanh Xuân lại có một cách làm khá quyết liệt. Trên địa bàn quận có 20 cơ sở có giấy phép kinh doanh đồ uống giải khát, không có kinh doanh karaoke. Đợt kiểm tra vừa qua, UBND quận đã xử phạt 3 cơ sở với số tiền từ 30 đến 35 triệu đồng với lỗi hát karaoke không có giấy phép. Các cơ sở còn lại đã ký cam kết không tổ chức hát karaoke. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tái kiểm tra và sẽ bàn giao cho UBND các phường duy trì, không để tái phạm.

Tại thời điểm đêm 30-12-2016, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy một số cơ sở bị xử phạt đã chấp hành đúng cam kết, không tổ chức hát karaoke cho khách uống cà phê, nhưng nhiều quán dù đã cam kết nhưng vẫn hoạt động bình thường. Bà Phạm Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân đề xuất: Loại hình kinh doanh dịch vụ đồ uống kèm hát dễ gây mất an ninh trật tự và gây ồn, ảnh hưởng lớn đến khu dân cư. Do đó, nếu để loại hình này tồn tại thì phải có các quy định cụ thể tương tự như hoạt động karaoke thì mới có thể xử lý triệt để…

Cùng là hình thức biến tướng từ karaoke nhưng nơi xử lý được vi phạm, nơi lại kêu “khó”, tồn tại thực trạng này không chỉ do thiếu chế tài mà còn do cách hiểu, cách làm của mỗi địa phương. Đã đến lúc phải siết lại kỷ cương với loại dịch vụ này, trong đó ngoài việc chờ bổ sung chế tài thì rất cần sự chủ động, quyết liệt của chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý karaoke trá hình: Dân bức xúc, cơ quan chức năng lúng túng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.