(HNM) - Là mặt hàng thiết yếu, chất lượng xăng dầu luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Do đó, kiểm soát, quản lý chặt chẽ chất lượng "đầu vào" là việc được nhiều đơn vị kinh doanh đã và đang nỗ lực thực hiện để bảo đảm an toàn sử dụng xăng dầu.
Xăng giả, xăng lậu vẫn hoành hành
Trước biến động khó lường của giá dầu thô thế giới và sự hấp dẫn từ nguồn lợi bất chính thu được, thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu qua biên giới tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Trọng điểm là vùng biển các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu... Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc lực lượng này đã chủ trì, phối hợp đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 5 vụ vi phạm. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng trên 2,32 tỷ đồng.
Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã liên tục kiểm tra hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, đã phát hiện xử lý 20 vụ kinh doanh xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hành chính 678 triệu đồng, tịch thu 32.085 lít xăng.
Xăng “bẩn”, kém chất lượng đã và đang gây ra những thiệt hại không nhỏ. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15-8-2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, một trong những nguyên nhân cháy nổ xe thời gian qua là do sử dụng xăng giả, xăng kém chất lượng. Việc Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, ra kết luận về hành vi pha chế, tiêu thụ xăng giả của đối tượng Trịnh Sướng là lời giải cho câu hỏi của người dân về hiện tượng vì sao nhiều ô tô, xe máy lưu thông trên đường đột nhiên bốc cháy.
Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu trước đó cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới các vụ cháy xe là do chất lượng nhiên liệu kém từ việc tự ý pha thêm các chất phụ gia chưa cho phép hoặc pha quá tỷ lệ an toàn được quy định. Theo Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Giám đốc Trung tâm Tư vấn giám định dân sự, dung môi là chất dùng trong công nghiệp, sử dụng dung môi pha chế vào xăng làm tăng thêm chỉ số octan, tạo ra hỗn hợp khí dễ cháy nổ. Hỗn hợp đến giới hạn sẽ bốc cháy khi có nguồn nhiệt.
Nói về xăng “bẩn”, ông Nguyễn Xuân Tùng, Công ty TNHH Euro Auto chia sẻ, vừa qua, trên đường về quê ở Thái Bình bằng xe máy, ông đã đổ xăng ở dọc đường. Vì là người am hiểu về xe, nên khi chạy thấy động cơ hoạt động không êm như bình thường, ông Tùng biết mình đã đổ phải xăng kém chất lượng. Sau đó, ông đã phải mang xe đi súc rửa lại động cơ, bình xăng để bảo đảm an toàn.
Tăng cường kiểm soát chất lượng
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận xăng dầu ngày càng tinh vi, các đối tượng móc nối chặt chẽ với nhau tạo thành đường dây khép kín. Mỗi nhóm đối tượng chỉ thực hiện một công đoạn độc lập, dưới sự chỉ đạo điều hành của chủ đầu nậu. Một khó khăn nữa là không quá khó khi tìm mua trên thị trường các chất dung môi, phụ gia, dùng để pha chế xăng dầu kém chất lượng.
Trong khi đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng đang có bất cập trong quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu nên có tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống đại lý bán lẻ. Công tác kiểm tra hiện nay lại mới chỉ tập trung vào các vi phạm về niêm yết giá, gian lận, bơm thiếu xăng.
Đưa ra giải pháp nhằm hạn chế xăng “bẩn”, kém chất lượng, ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra "đầu vào", hậu kiểm, có chế tài nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp vi phạm. Hiện PVOIL có quy trình kiểm soát chất lượng cụ thể, nghiêm ngặt và chặt chẽ. Trước hết, PVOIL mua xăng dầu từ những nhà máy có uy tín về nguồn gốc, chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế. Sau khi đưa xăng dầu về kho, mỗi lần xuất nhập, PVOIL đều lưu mẫu để kiểm tra, đối chứng. Bước tiếp theo là vận chuyển, PVOIL có những quy định rất chặt chẽ đối với các doanh nghiệp vận chuyển, như xe bồn đều có niêm phong, gắn thiết bị kiểm soát hành trình GPS. Tại các cửa hàng, cây xăng đều có quy trình chặt chẽ khi nhập, khi bán hàng, đặc biệt là gắn trách nhiệm đối với từng cấp, từng khâu cho lãnh đạo công ty, đến cửa hàng trưởng, nhân viên...
Còn ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, phải có sự phối hợp giữa các ngành, gồm Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an, Thuế, Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong kiểm soát chất lượng xăng dầu. Thêm vào đó, cần gắn trách nhiệm cụ thể đối với chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; đồng thời tăng mức xử phạt, trường hợp nặng phải xử lý hình sự, với các đối tượng, hành vi vi phạm...
Với người tiêu dùng, để bảo đảm an toàn cho động cơ đồng thời tránh “rước họa” cháy nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, nên tìm hiểu, chọn mua xăng dầu ở những địa chỉ uy tín.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.