(HNM) - Hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã ở mức báo động. Nguyên nhân chủ yếu là quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập…
Người tiêu dùng mong muốn mua thực phẩm sạch nhưng hiện cung chưa đáp ứng được cầu. Ảnh: Nhật Nam |
Ý thức người sản xuất chưa cao
Theo ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội, trong năm 2015 các đơn vị đã thực hiện giám sát 2.270 mẫu nông, lâm, thủy sản, trong đó có 385 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 396 mẫu thủy sản... Hiện đã có 118 mẫu có kết quả, trong đó đã phát hiện 61/385 mẫu thịt gia súc, gia cầm vượt mức chỉ tiêu vi sinh cho phép (chiếm 15,8%); 8/396 mẫu thủy sản vượt mức giới hạn chỉ tiêu các tồn dư kháng sinh, chất cấm. Ngoài ra, các đơn vị của Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra liên ngành đối với 7.345 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản thì có 1.011 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 13,8%). Các quận, huyện tiến hành kiểm tra 2.833 cơ sở, trong đó có 624 cơ sở không bảo đảm ATTP (chiếm 22%).
Nguyên nhân của tình trạng trên là sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, một số cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh theo thời vụ, thường xuyên biến động; số lượng các cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến còn ít. Hệ thống cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của quận, huyện, thị xã chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên. Chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh báo đối với các vi phạm dẫn đến số cơ sở vi phạm còn cao…
Bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, hiện huyện đã cho 200 cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản ký cam kết bảo đảm ATTP, nhưng trên địa bàn huyện vẫn còn 291 hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư khó kiểm soát vì hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP nông nghiệp ở cấp huyện chưa có, nhân lực được phân công theo dõi về ATVSTP đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp. Đồng thời, kinh phí để triển khai về ATTP ở cấp huyện rất thiếu, chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Hạnh - Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ) - chính quyền địa phương đã tổ chức ký cam kết cho 631 hộ sản xuất nhỏ lẻ theo phương pháp an toàn từ vệ sinh đồng ruộng tới khu sơ chế, bán sản phẩm ra ngoài thị trường. Tuy nhiên, khi kiểm tra vẫn có hộ không tuân theo quy định. Điều này cho thấy ý thức của người dân chưa cao mặc dù được tập huấn thường xuyên.
Tăng cường tuyên truyền và xử phạt
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc cho biết, để quản lý tốt về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới các đơn vị của Sở cần tăng cường công tác lấy mẫu giám sát. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm rau, thịt, thủy sản để giám sát tập trung vào các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cấm, ngoài danh mục trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các chỉ tiêu chất lượng, ATTP trong sản phẩm sơ chế, chế biến. Tăng cường rà soát, thống kê, kiểm tra đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định của Bộ NN&PTNT và phân công của thành phố. Tăng cường công tác thanh tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, ATTP theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát đặc biệt các cơ sở xếp loại C.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, thời gian qua các ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng không giảm. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền chưa làm tốt, từ việc khuyến cáo người sản xuất không được sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp đến việc công bố những địa chỉ cơ sở sản xuất an toàn đến người tiêu dùng để họ lựa chọn sản phẩm nên sản phẩm không tốt và sản phẩm tốt vẫn "mập mờ" lẫn lộn nhau. Năng lực đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này chưa tốt, việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành chưa chặt chẽ; chế tài xử phạt còn quá nhẹ, đặc biệt là chính quyền các quận huyện, thị xã chưa xử lý quyết liệt. Do đó, thời gian tới các đơn vị của Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương tập trung rà soát quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, xây dựng chuỗi sản xuất an toàn và đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.