(HNMO) - “Có những nhóm lớp chưa xin phép đã hoạt động, lại có một số nhóm được cấp phép xong không thu hút được học sinh, tự đóng cửa cũng không thông báo” - Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy nêu thực trạng.
Ảnh minh họa. |
Tại hội thảo về công tác quản lý nhóm lớp mầm non ngoài công lập do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức chiều nay (15-10), bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng GD mầm non cho biết, những năm gần đây, quy mô mạng lưới trường lớp mầm non ngoài công lập (NCL) trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng mở rộng. Số trường này tập trung chủ yếu ở các khu vực nội thành, khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư như quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên…
“Số trường này góp phần giảm tải tình trạng quá tải trong các trường mầm non công lập, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng yêu cầu của người dân, phù hợp với yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở mầm non tư thục được cấp phép và hoạt động hiệu quả, vẫn còn những cơ sở manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Do đó, cơ sở vật chất của nhóm lớp chưa bảo đảm theo yêu cầu quy định. Một số cơ sở đầu tư chưa đúng với quảng cáo và tương xứng với chất lượng cao; đội ngũ giáo viên không ổn định…” – Bà Hương nêu thực trạng.
Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó GĐ Sở GD-ĐT đồng tình với quan điểm này khi nêu ra các con số: Hà Nội hiện đang có số trường, nhóm lớp mầm non NCL lớn với 207 trường. Số trẻ mầm non NCL khoảng trên 70.000 (chiếm trên 15% trong tổng số trẻ mầm non trên địa bàn HN). Số trẻ mầm non bình quân tăng mỗi năm từ 27.000 - 28.000 trẻ, có những năm cá biệt tăng 35.000 trẻ… đã tạo áp lực rất lớn lên các trường mầm non. Việc các trường, nhóm lớp NCL ra đời đã giảm đáng kể áp lực đó đối với con em người dân trên địa bàn TP.
“Vấn đề là quản lý như thế nào để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, bảo đảm tốt nhất cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của các trường. Thêm vấn đề nữa là các trường mầm non NCL có yếu tố nước ngoài xuất hiện tương đối nhiều trên địa bàn TP mà các văn bản chỉ đạo còn bất cập” – bà Nga nêu vấn đề để các đại biểu đưa ra bàn luận tại hội thảo.
Lôm côm trình độ giáo viên mầm non NCL
Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết trên địa bàn quận có 40 trường mầm non thì có tới 26 trường NCL, chiếm tỷ lệ 65%. Công tác quản lý hiện gặp hàng loạt khó khăn: số trường thì tăng nhanh mà cán bộ lại mỏng. Có những nhóm lớp chưa xin phép đã hoạt động, lại có một số nhóm được cấp phép xong không thu hút được học sinh, tự đóng cửa cũng không thông báo.
Do điều kiện thành lập các nhóm lớp mầm non tư thục mở nên nhiều chủ lớp không có chuyên môn, chỉ qua lớp bồi dưỡng ngắn ngày về công tác quản lý mầm non. Các giáo viên là người tỉnh ngoài, phải thuê nhà, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ đào tạo hầu hết là qua các lớp liên kết, do vậy chất lượng còn hạn chế. Nhiều giáo viên không muốn đóng bảo hiểm xã hội và không muốn gắn bó với cơ sở.
Cũng liên quan đến quận Cầu Giấy, bà Nguyễn Thúy Thuận, hiệu trưởng trường mầm non Trung Hòa cho biết phường có 27 nhóm lớp mầm non tư thục. Trường được phường giao quản lý 13/27 nhóm lớp này. Theo bà Thuận, hầu hết các nhóm lớp đều đi thuê phòng học trong nhà dân, sân vườn không có, phòng học nhỏ, không có phòng để đồ, nhà vệ sinh thiết kế không phù hợp với trẻ mầm non. Bếp ăn đặt ở vị trí phòng trên cùng không đảm bảo.
Trong khi đó, về trình độ giáo viên, bà Thuận cho biết chủ các lớp mầm non NCL chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu là mới được bồi dưỡng qua các lớp chuyên môn nghiệp vụ cho nên còn hạn chế trong việc quản lý điều hành công tác giáo dục trẻ cũng như là quản lý về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất. Đội ngũ giáo viên dù đã qua đào tạo nhưng vẫn còn hạn chế về khả năng sư phạm.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Lan Anh, tổ trưởng giáo vụ mầm non, Phòng giáo dục quận Tây Hồ còn đưa ra một thực trạng, ở quận hiện nay có một, hai chủ lớp trước kia chỉ là người bán thịt lợn. Học xong lớp cấp chứng chỉ là về làm chủ lớp vì trong điều lệ trường mầm non cho biết chỉ cần tốt nghiệp THCS là đủ điều kiện. Bà Lan Anh cho rằng trước đây, để thúc đẩy tư thục phát triển thì chúng ta đưa ra cơ chế mở nhưng đến nay, tư thục đã quá phát triển thì quy định đó không còn phù hợp. Bà đề nghị chủ lớp phải có chuyên môn mầm non ít nhất từ ba năm trở lên và có chứng chỉ quản lý mầm non. Ý kiến này của bà Lan Anh đã nhận được sự đồng thuận của rất nhiều đại biểu dự hội thảo.
Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của trường mầm non NCL cũng đang vấp phải những khó khăn liên quan đến chính sách của nhà nước. Trong đó, bà Đường Thị Lệ, phó trưởng Phòng giáo dục quận Hà Đông cho rằng nên bỏ quy định cấp phép hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non NCL và chỉ cần quyết định thành lập là đủ. Hiện nay đang tồn tại hai loại giấy phép là quyết định thành lập và cấp phép hoạt động, hai loại giấy phép này cách nhau 6 tháng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các cơ sở mầm non NCL muốn thành lập.
Một nội dung nữa được các đại biểu quan tâm đó là nhiều quy định cứng nhắc khó thực thi trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non NCL. Đó là quy định 50 học sinh là thành lập một trường là không khả thi. Hay như quy định nhóm lớp mầm non tư thục phải có cán bộ y tế chuyên trách là điều bất hợp lý.
Trước những khó khan của các trường mầm non NCL hiện nay, bà Lý Thị Hằng, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp thu ý kiến và sẽ có những điều chỉnh hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.