Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý bền vững khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Nguyễn Thanh| 09/09/2022 17:45

(HNMO) - Ngày 9-9, tại Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”, các đại biểu tiếp tục phiên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế; đồng thời đưa ra hướng đi tích cực, phù hợp cho công tác này tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhằm mục tiêu quản lý bền vững, thúc đẩy, lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội trên cả nước và quốc tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tới dự hội thảo có nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng; đại diện Trung tâm Di sản thế giới, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Nao Hayashi; Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) Marie Laure Lavenir; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart.

Khôi phục chính điện Kính Thiên là mong mỏi của quốc gia, dân tộc

Sau khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới (năm 2010), công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại đây tiếp tục được triển khai một cách đầy đủ và hiệu quả, trong đó có việc thực hiện 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO.

Đây là tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản trong thời gian tới, mà trọng tâm là đưa ra phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện; đặc biệt là thực hiện Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên và bảo tồn nhà Cục Tác chiến dưới dạng di sản số; hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045…, góp phần nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhất là trên các phương diện kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị để Hoàng thành Thăng Long mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam. 

Tiến sĩ Hà Văn Cẩn, Viện Khảo cổ học, khẳng định nghiên cứu khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong 10 năm qua đã thu được những kết quả to lớn, giúp hiểu rõ được khoảng 35% diện mạo không gian chính điện Kính Thiên và điện Kính Thiên. Nếu tiếp tục khai quật và nghiên cứu, thời gian tới, chúng ta có thể nắm bắt được 35% kết cấu không gian này. Còn 30% giới nghiên cứu sẽ khai thác tư liệu lịch sử, tư liệu nghiên cứu so sánh với các cố đô của Việt Nam hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để có thể tiến tới phục dựng chính điện Kính Thiên hoành tráng, lộng lẫy, tính xác thực cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí, chỉ rõ vấn đề khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên hiện nay là sự hạn chế tư liệu về diện mạo, quy mô, hình thái nền móng, tức là phần dưới của công trình, bởi khảo cổ chưa khai quật khu vực nền điện Kính Thiên. Vấn đề tiếp theo và cũng là vấn đề then chốt, quan trọng nhất, đó là cần phải có những đầu tư nghiên cứu thật chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp về các loại vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện thời Lê Sơ dựa trên những phát hiện khảo cổ học để từng bước giải mã về tính chất, chức năng, tên gọi của các loại cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp công trình.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Nhấn mạnh việc khôi phục chính điện Kính Thiên là khát vọng, mong mỏi của quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông cho rằng, hiện giờ là cơ hội và đã đến lúc phải làm. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã cho chúng ta những thành phần, căn cứ quan trọng nhất, nền tảng cơ bản nhất để phục dựng không gian thiêng này. Cùng với đó, quá trình khảo cổ học cũng đã cung cấp những vật liệu kiến trúc, kỹ thuật kiến trúc, tuy chưa đầy đủ, nhưng đủ để hình dung, cũng như là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu xác định hình hài không gian chính điện Kính Thiên.

Có nhiều năm thực hiện hợp tác nghiên cứu bảo tồn Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, chuyên gia Tomoda, Viện Nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia Tokyo lưu ý, việc phục dựng điện Kính Thiên có thể phải phá bỏ các công trình chồng lớp khác, chính vì vậy cần phải suy nghĩ một cách hết sức nghiêm túc về vấn đề này để làm sao không làm tổn hại đến giá trị di sản. Cần chú ý đến yếu tố thời tiết, khí hậu bản địa có thể làm ảnh hưởng, bào mòn hiện vật khi đưa ra khỏi lòng đất, nhất là những hiện vật có chất liệu từ đất nung hay di vật đồ gốm. Vì vậy, cần tính toán, nghiên cứu kỹ để đưa ra phương án bảo quản phù hợp nhất…

Định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách tốt nhất

Cùng với việc đưa ra phương án, lộ trình khôi phục không gian chính điện Kính Thiên, các đại biểu tham dự hội thảo cũng tham góp nhiều ý tưởng tâm huyết, sáng tạo, đưa ra các giải pháp khả thi để gìn giữ và phát huy bền vững giá trị di sản.

Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam Emmanuel Cerise, cho rằng di sản đô thị đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị do sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở… và Khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng không ngoài những đặc thù này.

Chính vì vậy, thời gian tới, giữa Vùng Ile-de-France và thành phố Hà Nội có thể tập trung vào những nội dung hợp tác, như: Thực hiện một dự án thiết kế đô thị đương đại, nhằm bảo tồn và phát huy di sản; hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực truyền thông và quảng bá; hỗ trợ xây dựng mạng lưới di sản tại Hà Nội và giữa các khu di sản của Hà Nội và của Vùng Ile-de-France; giới thiệu các kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị, nhà thiết kế cảnh quan… có chuyên môn cao đến làm việc.

“Một vấn đề khác chúng tôi nhận thấy chính là những hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong công tác bảo tồn, bảo tàng. Phía Ile-de-France sẵn sàng cung cấp những “gói” học bổng cho việc trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm ở công tác này, giúp việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản trong giai đoạn mới thêm nhiều kết quả tốt hơn”, ông Emmanuel Cerise bày tỏ.

Để bảo đảm những cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với UNESCO được thực hiện đầy đủ, hiệu quả, bà Nao Hayashi, đại diện Trung tâm Di sản thế giới, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, điều cốt lõi là phải trang bị cho di sản những chương trình, kế hoạch có tính tổng thể, chiến lược; giải pháp hiệu quả, phù hợp, trong đó chú trọng tới những yếu tố xác thực của di sản để cân nhắc phương pháp bảo tồn, phát huy một cách đúng trọng tâm, hiệu quả, không sai lệch so với hồ sơ đề cử ghi danh của khu di sản.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Nghị định số 109/NĐ-CP về bảo vệ và quản lý các di sản thế giới, tính toàn vẹn của di sản được hiểu là “sự biểu hiện của một cách đầy đủ các yếu tố gốc cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới”.

Tuy nhiên, trong điều kiện đã trải qua nhiều biến thiên lịch sử, nhất là dưới áp lực của quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát chặt chẽ của Thủ đô Hà Nội, không thể tham vọng giữ lại nguyên vẹn hoặc vinh danh tất cả các yếu tố biểu đạt giá trị nổi bật của kinh thành Thăng Long xưa.

“Chúng ta phải chấp nhận lồng ghép vào đó các dấu ấn vật chất được phát hiện qua nghiên cứu khảo cổ học, khu đô thị cổ Hà Nội, một đoạn La Thành, một số điểm di tích, các hạng mục kiến trúc đơn lẻ với tính cách là những “cột mốc văn hóa”, những “điểm gợi nhớ” để cùng với Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tạo nên diện mạo kiến trúc mới cho Khu di sản văn hóa thế giới ở Hà Nội. Với cách tiếp cận như trên cùng kết quả nghiên cứu khoa học và khai quật khảo cổ, trong tương lai gần, có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh lần thứ hai cho khu di sản”, ông Đặng Văn Bài nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu bế mạc hội thảo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định, sau hai ngày làm việc nghiêm túc, trao đổi học thuật và chuyên môn chuyên sâu, Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản thế giới (1972-2022) và 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2002-2022) đã thành công tốt đẹp.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia UNESCO, ICOM, ICOMOS, các chuyên gia Pháp, Italia, Nhật Bản, Anh; các đại biểu đại diện cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; các bộ, ngành, cơ quan trung ương; các viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng, khu di sản thế giới của Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, Hán Nôm, văn hóa, mỹ thuật, bảo tồn, di sản…

“Đây là một trong những căn cứ, định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong giai đoạn mới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

“Các giá trị di sản đã được xác định phải đóng vai trò cốt lõi trong việc đánh giá phương án phát triển hài hòa giữa các giá trị truyền thống với các yêu cầu của cuộc sống hiện đại ngày nay. Để hiện thực hóa tầm nhìn, chúng ta cần chuyển hướng từ tiếp cận bảo tồn di sản dựa trên các quy tắc cứng nhắc sang cách tiếp nhận dựa trên giá trị và tính bền vững bao trùm hơn trên tinh thần của Công ước 1972”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý bền vững khu di sản Hoàng thành Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.