Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Bạch Thanh| 17/06/2019 08:01

(HNM) - Kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói chung thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực song thực tế cho thấy, còn một số khó khăn, hạn chế, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện hiệu quả đồng bộ nhiều giải pháp.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sóc Sơn tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Bá Hoạt


- Thưa ông, đâu là những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 13-CT/TƯ?

- Triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, có thể nói công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp ủy, chính quyền rất quan tâm. Vì vậy, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ngày càng giảm, độ che phủ của rừng không ngừng tăng.

Ba năm qua (2016-2018), bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 16.980 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, giảm 35% so với bình quân 5 năm 2011-2015; diện tích rừng bị thiệt hại bình quân là 1.873ha/năm, giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011-2015.

Năm 2018, cả nước xảy ra 12.945 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, giảm 3.577 vụ so với năm 2017, còn diện tích rừng bị thiệt hại là 936ha, giảm 515ha. Từ đầu năm đến nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng tôi khẳng định số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng giảm so với năm 2018.

Công tác phát triển rừng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NN&PTNT, các địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, đến nay đã có 4/16 nhiệm vụ của Chương trình đã hoàn thành, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra; 5/16 nhiệm vụ đạt trên 90%; 7/16 nhiệm vụ bảo đảm tiến độ.

Hiện nay, tổng diện tích rừng được khoán bảo vệ là 1.320.613ha; diện tích rừng đã được trồng mới, chăm sóc 21.665ha. Tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đã đạt hơn 41,65%, tăng 0,46% so với năm 2016. Theo tôi, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42% là khả thi.

- Từ những kết quả đạt được, Tổng cục Lâm nghiệp đã đúc rút kinh nghiệm gì trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thưa ông?


- Trước hết là sự vào cuộc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, quan tâm đầu tư thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực hiện Chỉ thị 13-CT/TƯ.

Các địa phương đã dừng không cấp phép khai thác tận dụng sau khai thác trong rừng tự nhiên; đồng thời giám sát chặt chẽ việc tận thu gỗ những diện tích rừng được phép chuyển mục đích sử dụng... Các vụ vi phạm, nhất là hành vi phá rừng trái pháp luật được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cũng được các cấp, các ngành duy trì và triển khai rộng khắp, nên nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng của người dân được nâng lên rõ rệt...

- Vậy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay còn gặp những khó khăn, thách thức gì?

- Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn xảy ra, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Cùng với đó là tình trạng vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm, rừng trồng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ.

Kết quả công tác trồng rừng tập trung không đồng đều giữa các vùng, một số vùng có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhưng kết quả phát triển rừng còn thấp. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa được bố trí đầy đủ, đến hết năm 2018 mới bố trí được 2.112 tỷ đồng, đạt 22,3% so với số vốn được phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ...

- Để tháo gỡ khó khăn, thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp sẽ triển khai những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

- Theo tôi, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghiêm Chỉ thị 13-CT/TƯ; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện hằng năm.

Về phía Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ NN&PTNT tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với diện tích rừng hiện có; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Cùng với đó, tập trung cao độ để hoàn thành tốt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, phấn đấu kết thúc năm 2019: Nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; giảm diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm tối thiểu 10% so với năm 2018.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 nhóm giải pháp trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là bảo vệ rừng và thúc đẩy sản xuất, phát triển rừng. Cụ thể, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đối với rừng sản xuất; giám sát chặt chẽ các dự án bảo vệ và phát triển rừng sử dụng vốn ngân sách nhà nước…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.