(HNM) - Sau hơn một năm TP Hồ Chí Minh xây dựng mô hình thí điểm về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực, với hơn 80% số cơ sở đạt 10 tiêu chí về chế biến, bảo quản thực phẩm.
Thí điểm thì tốt
Từ lâu, TĂĐP là loại hình kinh doanh rất phát triển tại khắp các tuyến đường của TP Hồ Chí Minh. Một số khu vực còn có hẳn phố ẩm thực như khu vực đường Cao Thắng (Quận 3), đường Cô Giang (Quận 1)... Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ sử dụng nguồn nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ; buôn bán cạnh hố ga, cống ngầm, rãnh nước thải... nên luôn tiềm ẩn yếu tố mất an toàn.
Thức ăn đường phố không an toàn là mối lo ngại cho sức khỏe người dân. |
Để khắc phục tình trạng trên, từ cuối năm 2014, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình điểm kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm đối với các đối tượng kinh doanh TĂĐP trên địa bàn Phường 2 (Quận 3) và phường An Lạc A (quận Bình Tân) với 10 tiêu chí áp dụng trên địa bàn điểm như: Nơi kinh doanh cách biệt nguồn ô nhiễm; bày bán thực phẩm cách mặt đất ít nhất 60cm; thực phẩm được bảo quản hợp vệ sinh; không để lẫn thức ăn sống và chín; sử dụng công cụ khi tiếp xúc thức ăn; bảo đảm đủ nước và nước đá sạch đúng quy định; người bán phải được khám sức khỏe, được tập huấn kiến thức; có sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm và xử lý rác thải hợp vệ sinh.
Các cơ quan chức năng trên địa bàn thí điểm tiến hành tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ miễn phí các công cụ, vật dụng hợp vệ sinh cho người kinh doanh, ký cam kết bảo đảm ATVSTP, sau đó tiến hành kiểm tra, giám sát, quản lý trên địa bàn. Mô hình đã thu hút 203 cơ sở với 224 người kinh doanh tham gia thực hiện với nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, 80% số cơ sở tham gia đều đạt được 10 nội dung tiêu chí.
Nhân rộng lại khó khăn
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, kế hoạch của thành phố sau mô hình thí điểm là mỗi quận đăng ký 1-2 phường hoặc đường phố làm điểm để kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm với TĂĐP. Đồng thời, các quận, huyện trong thành phố báo cáo đã tiến hành thành lập Thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Về phía các cơ quan trung ương và thành phố đã tập huấn và cấp chứng chỉ cho toàn bộ các lực lượng tham gia thanh tra liên ngành, hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính, nâng cao ý thức về luật, quy định về an toàn thực phẩm.
Rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm, bà Thái Thị Bích Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc A cho rằng, vấn đề khó nhất hiện nay là công tác kiểm tra, xử phạt vì các quán kinh doanh TĂĐP buôn bán lưu động, xe đẩy bán hàng rong từ địa phương khác đến. Hơn nữa, đối tượng kinh doanh TĂĐP chủ yếu còn khó khăn, thông thường là những người thuộc diện nghèo tại địa phương, sử dụng phương tiện bán hàng để nuôi gia đình. Do vậy, việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm với các trường hợp vi phạm chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở chứ không nỡ "đao to búa lớn".
Còn theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, nguồn kinh phí riêng hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát quản lý an toàn thực phẩm tại tuyến phường vẫn chưa có, cùng với việc cấp phường xử lý vi phạm tương đối khó khăn vì thiếu đội ngũ thanh tra xử lý chuyên nghiệp. Đồng thời, khi thực hiện xây dựng mô hình, UBND thành phố đã chỉ đạo đến các quận, huyện cần quy hoạch những nơi buôn bán TĂĐP cố định để cơ quan chuyên ngành hỗ trợ, hướng dẫn đầy đủ hơn cho người kinh doanh những kiến thức về ATVSTP. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ quy hoạch nào từ các quận, huyện.
Để giải quyết những khó khăn, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh cho rằng, các địa phương trên địa bàn nên hướng tới vận động nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Đồng thời, liên bộ Y tế, Công thương và NN&PTNT cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung nguồn kinh phí thực hiện mô hình từ nguồn thu xử phạt các cơ sở vi phạm quy định. Từng quận, huyện cũng cần có quy hoạch địa điểm kinh doanh để kiểm soát dễ dàng hơn. Trong năm 2016, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục rà soát lại các tiêu chí, tập huấn, hướng dẫn hỗ trợ người kinh doanh TĂĐP về kiến thức an toàn thực phẩm. Sau khi đã phổ biến đến từng người kinh doanh xong sẽ tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.