(HNM) - Chiếc xuồng cao tốc của lực lượng biên phòng xuất phát từ cảng Cái Rồng, Vân Đồn lướt nhanh trên mặt nước xanh biếc của vịnh Bái Tử Long đưa chúng tôi đến với Quan Lạn.
Gần hơn với đất liền
Từ TP Hạ Long, theo quốc lộ 18 trải nhựa phẳng lì, tới thị xã Cửa Ông (huyện Cẩm Phả) thì rẽ phải, sau chưa đầy một giờ đồng hồ, chúng tôi đã tới cảng Cái Rồng (thị trấn Cái Rồng thuộc huyện đảo Vân Đồn), vừa lúc xuồng cao tốc của Đồn Biên phòng Quan Lạn cập bến để đưa cán bộ vào đất liền họp.
Bãi tắm ở đảo Quan Lạn.Ảnh: Thanh Hương
8h sáng, Quan Lạn đón chúng tôi với làn sương mờ quyến rũ ẩn chứa đầy ắp những bất ngờ. Ghi rõ mốc thời gian 8h, bởi nếu không gặp xuồng của bộ đội biên phòng, chúng tôi sẽ mất ít nhất 50 phút đi tàu khách hoặc hơn 3 giờ lênh đênh trên thuyền gỗ vượt biển mới ra tới nơi.
Quan Lạn nằm ở vị trí tiền tiêu, cách Hòn Gai theo đường chim bay khoảng 45km, trải dài theo hướng Đông bắc - Tây nam với những dãy núi đồi liên tiếp, những rừng phi lao xanh ngăn ngắt như bức tường ngăn sóng gió từ biển khơi bảo vệ người dân an cư lạc nghiệp. Là thương cảng đầu tiên của Việt Nam ngay từ thế kỷ XII một thời sầm uất và thịnh vượng với tàu bè vào ra, Quan Lạn hôm nay thật gần với đất liền. Níu chị Phạm Thị Phiên, ở xóm Đoài đang tất tả trở về nhà sau buổi đào sá sùng, hỏi chuyện ngày xưa, chị cho biết: Chỉ dăm bảy năm trước thôi, mỗi khi có việc về Hạ Long đi lại cũng nhiều gian nan lắm. Tàu chợ ngày một chuyến, chạy thì chậm nhưng lúc nào cũng đông người, đến muộn chút là lỡ chuyến. Đến được bến Cái Rồng, đảo Cái Bầu lại cơm đùm cơm nắm tiếp tục chờ tàu bởi Vân Đồn vẫn bị ngăn cách với đất liền một eo biển. Nhưng từ năm 2005 đến nay, khi cầu Vân Đồn khánh thành, rồi quốc lộ 18 được nâng cấp thì việc đi lại của chúng tôi thuận tiện hơn nhiều, chỉ mất 3 giờ là đã về đến thành phố, nhiều hôm xong sớm vẫn còn kịp chuyến tàu chiều để về đảo trong ngày.
Không chỉ gần hơn với đất liền về khoảng cách thời gian, Quan Lạn ngày nay đã nhộn nhịp, đông vui hơn rất nhiều, nhất là vào mùa du lịch. Phần lớn cư dân ở đây sống dọc theo con đường chính dẫn từ cầu tàu vào làng. Dọc "phố đảo" có rất nhiều nhà cao tầng khang trang tường vôi sáng loáng trưng biển cho thuê nhà nghỉ, thuê xe đạp, xe máy hay bán vé tàu. Cả phố có tới 400 xe túc túc để chở khách đi thăm đảo. Giữa làng là cụm di tích đình, đền, chùa thờ Phật và các vị hiền liệt có công khai phá đất này. Mái cuốn rêu phong, đình Quan Lạn được xây dựng từ thế kỷ XVIII tuyệt đẹp hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn với các đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Giao thông thuận lợi, khách du lịch tới đảo ngày một nhiều nên theo thống kê của chính quyền địa phương, trong gần 400 hộ dân thì có tới gần một nửa làm các việc liên quan tới du lịch. Người dân Quan Lạn vẫn tự hào với sản vật quý hiếm là sá sùng, rồi các loại cá khô phơi một nắng, bà con làm tới đâu hết tới đó. Vào đợt cao điểm mùa du lịch chẳng còn hàng mà bán.
Những khoảng lặng
Cách đất liền hơn 50km, rộng hơn 6.000ha, mất một giờ đi tàu cao tốc từ Vân Đồn, song đến nay Quan Lạn vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Điện thắp sáng trên đảo do một tư nhân bỏ tiền ra đầu tư cách đây gần chục năm nên người dân đang phải chịu giá điện đắt nhất nước: Mỗi "số" điện sinh hoạt có giá từ 15 đến 17 nghìn đồng. Không chỉ đắt mà cách tính giá ở đảo cũng có sự khác biệt. Không có giá điện bậc thang, ở đây mức thu tiền tối thiểu mỗi gia đình phải nộp tương đương 10 số điện/tháng, nếu tiết kiệm dùng ít hơn thì cũng phải nộp mức sàn cho đủ. Chưa hết, người dân ở đảo vẫn đang dùng điện trong tình trạng phân phối. Mùa đông điện chỉ có trong 5 giờ buổi tối từ 18h đến 23h, còn mùa hè được thêm 4 giờ nữa từ 10h đến 14h, thời gian còn lại "trắng điện". Muốn chạy máy nổ thì việc vận chuyển xăng dầu ra đảo cũng là cả vấn đề mà khi đến tay người tiêu dùng giá đã bị đội lên nhiều lần. "Cái khó ló cái khôn", một số gia đình có điều kiện trên đảo đã xoay sang dùng pin mặt trời và bình nước năng lượng mặt trời.
Không chỉ thiếu điện, Quan Lạn cũng đang loay hoay giải bài toán thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt. Khi xã đảo Minh Châu bên cạnh đã được Nhà nước đầu tư xây 100 bể chứa nước giếng, thì Quan Lạn vẫn chưa có. Chưa đến mức biến thành khẩu hiệu "nước là máu" như đã gặp ngoài Trường Sa, nhưng quả thật giữa bao la biển trời, nước ngọt thật hiếm. Ngoài nguồn nước mưa, các gia đình có điều kiện thì đào giếng, các hộ còn lại phần lớn phải mua nước ngọt. 100 lít giá 100 nghìn cũng chỉ đủ dùng trong ngày. Bốn bề là biển, nên chẳng phải nhà nào đào giếng cũng gặp được nguồn nước ngọt mát lành. Thiếu điện, thiếu nước, nhiều hộ trên đảo muốn phát triển sản xuất kinh doanh với nhiều ngành nghề cũng đành chịu.
Rời xa "phố làng", xuyên rừng lên khu vực núi Đồng Làng, thôn Thái Hòa lại ngỡ ngàng đến quặn lòng khi nhìn những gốc phi lao mấy chục năm tuổi trong rừng phòng hộ ven biển bị chặt phá ngổn ngang. Trồng một cây xanh nơi đất liền đã khó, để có cả một rừng phi lao vài chục năm tuổi trên đảo khó khăn gấp bội, vì liên tục bị cát, sóng vùi lấp. Vậy mà tiếc thay, vượt qua bao bão táp, phong ba khắc nghiệt của thiên nhiên, dải rừng phòng hộ chắn sóng, giữ đất cho cư dân trên đảo đã bị một công ty du lịch đang tâm chặt hạ tan tành, nghe nói là để lấy diện tích làm hồ chứa nước và mở rộng diện tích khu du lịch (?). Không xa mấy đất liền nhưng trong quá trình phát triển du lịch tại Quan Lạn đã thấy bắt đầu ẩn chứa những hệ lụy.
Chẳng còn "nội bất xuất, ngoại bất nhập" vào những ngày hội làng như trước kia, Quan Lạn hôm nay đang từng bước chuyển mình dẫu phía trước còn không ít gian nan. Nghe nói, trong tương lai không xa, xã đảo sẽ có đường băng để đón du khách. Còn người dân trên đảo lại mong những điều thật gần là điện lưới quốc gia và hệ thống nước sạch sớm về với đảo - đơn giản vậy thôi, mà sao khó thế?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.