(HNM) - Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nam Mỹ Venezuela và Colombia vốn đã căng thẳng từ hồi tháng 7-2009, khi Colombia thông báo sẽ cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ, thì nay lại càng căng như dây đàn khi cuối tuần qua, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tuyên bố nước ông đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Colombia ngay sau khi Bogota đưa ra bằng chứng cáo buộc Caracas hậu thuẫn các lực lượng nổi dậy Colombia trong phiên họp bất thường của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS).
Người dân Venezuela buôn bán xăng dầu tại La Rayla thuộc bang Zulia (Tây bắc Venezuela) giáp biên giới với Colombia ngày 23-7. |
Phát biểu trước báo giới tại Phủ Tổng thống, ông Chavez nói: "Tôi tuyên bố, từ thời điểm này Venezuela cắt đứt mọi quan hệ với Chính phủ Colombia." Nhà lãnh đạo cánh tả cho biết, ông buộc phải đưa ra quyết định này để bảo vệ "lòng tự trọng và chủ quyền" của Venezuela trước những lời cáo buộc giả mạo từ phía Colombia. Tổng thống Chavez cũng cảnh báo đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất tại các khu vực dọc đường biên giới hơn 2.000km với Colombia và cho biết sẵn sàng đáp trả nếu bị xâm phạm quân sự. Ngay sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia, Venezuela yêu cầu các nhân viên sứ quán Colombia tại thủ đô Caracas phải rời Venezuela trong vòng 72 giờ.
Trước đó, trong phiên họp bất thường của OAS, Đại sứ Colombia Luis Hoyos đã trình lên OAS, có trụ sở tại Washington, các bằng chứng như video, bản đồ và ảnh chứng minh cáo buộc rằng các thủ lĩnh nổi dậy Colombia đang có mặt trên lãnh thổ Venezuela. Đại sứ Colombia cho hay các tài liệu là bằng chứng rõ ràng cho thấy khoảng 1.500 phần tử nổi dậy Colombia đang ẩn náu tại nhiều địa điểm bên trong lãnh thổ Venezuela. Ông Hoyos nói các bức ảnh chứng tỏ lực lượng nổi dậy có 39 doanh trại tại Venezuela và các thủ lĩnh hàng đầu đang có mặt ở đó. Tuy nhiên, Đại sứ Venezuela Roy Chaderton khẳng định lời tố cáo của Bogota là hoàn toàn bịa đặt và lên án Chính phủ Colombia nhiều lần dàn dựng các chứng cớ giả mạo.
Căng thẳng giữa Venezuela và Colombia bùng nổ sau khi bản thỏa thuận quân sự giữa Washington và Bogota được ký kết tại một buổi họp kín hồi tháng 8-2009, cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại 7 căn cứ trên
lãnh thổ Colombia. Mỹ và Colombia khẳng định rằng thỏa thuận đó chỉ nhằm mục đích giúp Colombia chiến đấu với tội phạm ma túy và lực lượng quân nổi dậy tại nước này. Nhưng cách giải thích này không làm các nước láng giềng của Colombia, đặc biệt là Venezuela chấp thuận. Thế là ngay lập tức, thông báo này vấp phải một "làn sóng" phản đối dữ dội từ hầu hết các nước Mỹ Latinh, nhưng quyết liệt nhất là từ Venezuela. Tổng thống Hugo Chavez tuyên bố Venezuela sẽ "xem xét lại quan hệ giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực", nếu Colombia đồng ý cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của nước này. Ông Hugo Chavez còn cảnh cáo rằng, nếu xảy ra chiến tranh giữa Venezuela và Colombia, Venezuela sẽ đáp trả bằng quân sự chứ không giải quyết qua đường ngoại giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.