(HNM) - Ngày 29-9 lẽ ra sẽ là một ngày thực sự ý nghĩa với Trung Quốc và Nhật Bản khi quan hệ giữa hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này chính thức ghi dấu mốc tròn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tẩy chay, đập phá hàng hóa Nhật Bản tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa hai nước. |
Kỷ niệm tròn bốn thập niên thiết lập ngoại giao được "ghi dấu" bằng những cuộc biểu tình đường phố phản đối lẫn nhau của người dân và tuyên bố ngoại giao đáp trả mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo hai nước do tranh chấp chủ quyền biển đảo. Hủy bỏ nhiều hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa đặc biệt cho thấy "bước thụt lùi toàn diện" trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản sau 40 năm dày công gây dựng. Song, đó chưa phải là đỉnh điểm của "cuộc chiến" Senkaku/Điếu Ngư. Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế đã thực sự trở nên quyết liệt sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lần đầu tiên đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ra Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo đại diện 193 nước thành viên.
Dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay Hàn Quốc nhưng với lời lẽ cứng rắn làm "nóng" cả diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh, Thủ tướng Y.Noda đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ quan điểm của Nhật Bản với vấn đề hết sức nhạy cảm này. Sự kiện một thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản - bất chấp áp lực ngoại giao từ các quốc gia láng giềng đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ra Đại hội đồng LHQ chứng tỏ rằng việc giải quyết chủ quyền biển đảo của Trung Quốc - Nhật Bản và Nhật Bản - Hàn Quốc bằng các biện pháp đối thoại hòa bình ngày càng lắm chông gai. Yêu cầu giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, giờ không chỉ là vấn đề "nóng" của bộ ba Trung - Nhật - Hàn mà còn được nhiều quốc gia cùng chung cảnh ngộ, đặc biệt quan tâm.
Như "đổ thêm dầu vào lửa", hành động được cho là "quốc tế hóa" vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo của Thủ tướng Y.Noda đã châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến mới với Trung Quốc. Cáo buộc Nhật Bản "đánh cắp" quần đảo tranh chấp sau khi Thủ tướng Y.Noda đưa cuộc tranh cãi lãnh thổ ra Đại hội đồng LHQ, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trong một phát biểu mới nhất đã yêu cầu Nhật Bản có các hành động cụ thể để khắc phục sai lầm.
Ngoại giao "nóng" dẫn đến kinh tế "lạnh" đang là diễn biến khiến dư luận thật sự quan ngại khi đề cập tới những hậu quả do căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật gây ra trong khu vực Đông Bắc Á cũng như với thế giới. Cuộc chiến thương mại không mong muốn xảy ra sẽ là thất bại lớn với cả hai bên, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc còn đang phụ thuộc lớn vào đầu tư và công nghệ của Nhật Bản - thị trường tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc lớn thứ ba sau Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ. Nếu người dân Nhật Bản nói không với hàng "made in China" thì hàng triệu người lao động Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Ngược lại, nếu người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật sẽ ngay lập tức giáng một đòn nặng nề vào cường quốc xuất khẩu như Nhật Bản...
Làn sóng phản đối Nhật Bản tại Trung Quốc hơn một tuần qua đã gây thiệt hại tài chính đáng kể cho nền kinh tế thứ ba thế giới. Nếu cuộc đối đầu về chủ quyền lãnh hải giữa hai quốc gia này không được hóa giải và biến thành một cuộc chiến kinh tế thì, những thiệt hại lớn với cả đôi bên là khó tránh. Như một phản ứng tự nhiên trước những tình huống không mong đợi, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng tới cuộc di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc. Hiện thực này vừa dự báo một cuộc phân chia lại thị trường khu vực mang tầm ảnh hưởng toàn cầu là hoàn toàn có thể diễn ra trong tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.