(HNM) - Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz vừa lên tiếng kêu gọi đã đến lúc Liên minh Châu Âu (EU) nên cân nhắc hàn gắn những rạn nứt với Nga.
Dù chưa thể bình thường hóa nhưng quan hệ giữa EU và Nga đang dần ấm lên. |
"Bước đi" của Ngoại trưởng Áo được thực hiện trong bối cảnh cuộc "chinh phạt" của EU với nền kinh tế Nga trong các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và quốc phòng sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Sự ủng hộ tái hợp tác với Nga ngày càng tăng tại một số quốc gia Châu Âu. Sau những tổn thất kinh tế đáng kể do cấm vận, nhiều nước Châu Âu không còn đủ kiên nhẫn để đi xa hơn. Thậm chí một số nước đã không ngần ngại thể hiện mong muốn hàn gắn quan hệ với Moscow. Điển hình là việc Quốc hội Pháp mới đây đã thông qua nghị quyết kêu gọi nội các phản đối gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga. Lý do là cấm vận không những không thúc đẩy việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine mà còn trở thành gánh nặng lớn đối với Paris; đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đối với kinh tế Pháp.
Kể từ khi lệnh cấm vận có hiệu lực, các hoạt động giao thương với Nga bị đình trệ khiến giá nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Pháp (như thịt lợn, sữa và các sản phẩm từ sữa...) đều giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn của nông dân phản đối cấm vận Nga liên tục lan rộng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều nước khác, bởi lẽ Nga là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Châu Âu. Riêng tại Pháp đã có khoảng 7.000 doanh nghiệp trông đợi vào các chuyến hàng xuất khẩu tới “đối tác” một thời này. Trong khi đó, số liệu từ Nghị viện Châu Âu (EP) cho thấy, lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga đã khiến ít nhất 9,5 triệu hộ nông dân bị ảnh hưởng - bất chấp những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn mà EU đưa ra. Theo Liên đoàn Copa-Cogeca, đại diện cho lợi ích của nông dân Châu Âu, Nga hiện là điểm đến của 32% lượng pho mát và khoảng 24% lượng bơ xuất khẩu của EU. Viện Nghiên cứu kinh tế Áo (WIFO) đã đưa ra cảnh báo, mức thiệt hại với toàn Châu Âu do cấm vận Nga có thể lên tới 92 tỷ euro nếu tình hình này vẫn tiếp diễn trong vài năm tới.
Ở một bình diện khác, thông tin "rò rỉ" từ Sách Trắng quốc phòng Đức (phiên bản mới) coi "Nga là đối thủ" tiếp tục gây tranh cãi, trong khi số doanh nghiệp Đức ủng hộ nối lại quan hệ kinh tế với Nga đang ngày càng nhiều hơn. Điều này gây áp lực đáng kể lên Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel. Bản thân Đức cũng là nước có kim ngạch thương mại hàng đầu với Nga tại Châu Âu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia Châu Âu đang có xu hướng hàn gắn quan hệ với Nga. Mới đây nhất, Hy Lạp cũng đã "úp mở" việc sẽ phản đối gia hạn trừng phạt Moscow. Italia, Síp và Hungary đã bày tỏ hoài nghi tác dụng của các biện pháp trừng phạt; đồng thời mong muốn xích lại gần Nga nhằm đối phó “kẻ thù chung” là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong khi đó, kể cả khi EU mong muốn “dứt tình” thì, việc tìm kiếm một thị trường tiêu thụ nông sản tiềm năng như Nga là không dễ dàng.
Sẽ là khó khăn để EU gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế với Nga - ít nhất là trong cuộc họp được dự kiến trong 48 giờ tới - khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk ở miền Đông Ukraina chưa đạt tiến triển như mong đợi. Tuy nhiên, xu hướng nới lỏng các lệnh trừng phạt được giới phân tích Cựu lục địa cho là sẽ âm thầm diễn ra. Cho tới lúc này, một số nguồn tin cho biết, EU đã lặng lẽ chỉ thị cho các ngân hàng và hệ thống thanh toán Euroclear không cản trở đợt phát hành trái phiếu quốc tế gần đây của Chính phủ Nga nhằm thu hút các nhà đầu tư phương Tây trong thời gian tới. Đổi lại, Nga có thể sẽ giảm hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ EU. Cùng với việc nối lại quan hệ kinh tế, thương mại với Nhật Bản, rõ ràng Nga sẽ có cơ hội phục hồi nền kinh tế nếu EU nới lỏng hoặc dỡ bỏ cấm vận. Điều này cũng đem lại lợi ích đáng kể cho một Châu Âu đang trải qua những ngày khó khăn nhất của thập kỷ thứ hai trong thế kỷ mới.
Như vậy, bình thường hóa quan hệ kinh tế Nga - EU dẫu còn khó khăn nhưng xu thế hợp tác nồng ấm hơn trên phương diện này chắc chắn sẽ lần lượt xuất hiện. Đúng như điều Chủ tịch EC J-C.Juncker từng công khai tại SPIEF rằng “Chúng tôi - EU và Nga - sẽ cố gắng hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn, ít nhất là về lĩnh vực kinh tế”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.