Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí tấn công của Mỹ cho Saudi Arabia. Động thái này đi ngược với chính sách đã tồn tại nhiều năm qua nhằm gây sức ép buộc Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến với Yemen.
Trong bối cảnh cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza và Israel - Iran đã leo thang lên một cấp độ mới, nguy hiểm hơn, có nguy cơ làm mất ổn định khu vực, giới quan sát đặt câu hỏi: Washington làm “ấm” lại quan hệ với Riyadh hướng tới mục đích gì?
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí đối với Saudi Arabia và việc mua bán có thể được nối lại vào tuần tới. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ tiết lộ: "Saudi Arabia đã hoàn thành phần việc của họ trong thỏa thuận và chúng tôi cũng đã chuẩn bị hoàn thành phần của mình".
Saudi Arabia là một trong những quốc gia mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, Washington đã cấm bán công nghệ quân sự dẫn đường chính xác cho vương quốc này vào năm 2016 sau khi lực lượng quân đội Saudi Arabia tấn công của vào một nhà tang lễ ở Yemen khiến 155 người thiệt mạng. Lệnh cấm này đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump bãi bỏ vào tháng 3-2017.
Một cuộc điều tra của CNN năm 2018 phát hiện ra rằng, quả bom nặng 500 pound mà Saudi Arabia tấn công Yemen khiến hàng chục trẻ em nước này thiệt mạng là do Washington cung cấp, làm dấy lên những câu hỏi về cách Saudi Arabia sử dụng đạn dược của Mỹ vào thời điểm đó, đồng thời nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn việc bán vũ khí cho Riyadh.
Chính vì vậy, ngay sau khi nhậm chức vào năm 2021, Tổng thống Biden đã “đóng băng” việc bán vũ khí tấn công của Mỹ cho Saudi Arabia trong bối cảnh cuộc chiến tàn khốc giữa liên quân do nước này đứng đầu và lực lượng Houthis do Iran hậu thuẫn ở Yemen đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng.
Động thái này khiến Riyadh không hài lòng và được coi là dấu hiệu cho thấy, Washington không sẵn lòng bảo vệ an ninh vùng Vịnh trước các mối đe dọa từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Cộng hòa Hồi giáo.
Một quan chức Mỹ trong cuộc phỏng vấn với CNN đã tiết lộ, lệnh “đóng băng” việc bán một số loại vũ khí tấn công sẽ kết thúc, khi vai trò của vương quốc này trong cuộc chiến ở Yemen kết thúc.
Cuộc chiến Yemen được coi là một trong số nhiều cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Saudi Arabia. Kể từ năm 2015, một cuộc xung đột đã làm chết hàng trăm nghìn người và khiến 80% dân số Yemen phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.
Vào tháng 3-2022, Saudi Arabia và lực lượng Houthis đã ký một thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Liên hợp quốc làm trung gian. Saudi Arabia đã không thực hiện bất kỳ cuộc không kích nào vào Yemen, trong khi Houthis cũng đã ngừng các cuộc tấn công xuyên biên giới bằng hỏa lực vào vương quốc này.
"Giai đoạn yên tĩnh kéo dài gần hai năm này ở Yemen là chưa từng có và có được là nhờ vào hoạt động ngoại giao của Mỹ và sự tham gia mang tính xây dựng của Saudi Arabia với người Houthis, người Oman và những người khác", một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Theo luật pháp Mỹ, các thỏa thuận vũ khí quốc tế lớn phải được thành viên quốc hội xem xét trước khi chúng được hoàn tất. Các nhà lập pháp Mỹ đã đặt câu hỏi về việc cung cấp vũ khí tấn công cho Saudi Arabia trong những năm gần đây, viện dẫn nhiều vấn đề bao gồm thương vong của dân thường trong chiến dịch của Saudi Arabia ở Yemen.
Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ Mỹ đã dịu hơn, trong bối cảnh Trung Đông rơi vào hỗn loạn sau cuộc tấn công đẫm máu của Phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel hôm 7-10-2023, cũng như những thay đổi trong cách thức tiến hành chiến dịch ở Yemen.
Mối quan hệ giữa vương quốc này và Mỹ đã nồng ấm trở lại kể từ đó, khi Washington đang hợp tác chặt chẽ hơn với Riyadh sau cuộc tấn công của Hamas để vạch ra kế hoạch cho Gaza sau chiến tranh. Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí tấn công là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia đang được cải thiện.
Chính quyền Joe Biden cũng đang đàm phán một hiệp ước quốc phòng và một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Riyadh như một phần của thỏa thuận rộng lớn nhằm thúc đẩy Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel, mặc dù đó là một mục tiêu khó nắm bắt.
Một thỏa thuận khu vực liên quan đến bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia - Israel, được cho là sẽ thay đổi bộ mặt Trung Đông, vẫn còn xa vời bởi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tục bác bỏ mọi kế hoạch thành lập một nhà nước Palestine theo yêu cầu của Riyadh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.