Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Ấn Độ - Pakistan: Vết rạn mới

Trung Hiếu| 12/01/2013 06:07

(HNM) - Đó là vụ đấu súng vừa xảy ra ở khu vực biên giới Kashmir giữa Ấn Độ - Pakistan. Những tưởng, sự việc Pakistan cáo buộc binh sĩ Ấn Độ (ngày 6-1), đột kích đồn biên phòng, làm một binh sĩ Pakistan thiệt mạng sẽ được hai bên giải quyết êm thấm. Nhưng những động thái từ hai phía trong mấy ngày tiếp theo đã khiến dư luận khu vực và quốc tế lo ngại.


Theo đó, ngày 9-1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, một trong hai binh sĩ nước này tử vong trong cuộc đụng độ tại khu vực biên giới tranh chấp Kashmir đã bị lính Pakistan chặt đầu đem đi. Trước đó, binh sĩ Pakistan (8-1), đã vượt qua "Đường kiểm soát" (LOC) ở Kashmir và tấn công một đơn vị tuần tra của quân đội Ấn Độ làm hai binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trong khi đó, Pakistan cũng cáo buộc quân đội Ấn Độ vượt đường LOC và tấn công đồn biên phòng Sawan Patra ở khu vực Haji Pir, cách Islamabad 80km về phía bắc, làm một binh sĩ Pakistan thiệt mạng và một người bị thương. Sau đó, Pakistan đã trao công hàm phản đối chính thức cho phía Ấn Độ, song New Delhi phủ nhận cáo buộc này…

Binh sĩ Ấn Độ tăng cường tuần tra đường biên giới với Pakistan khi căng thẳng giữa hai bên gia tăng.


Những diễn biến trong vài ngày qua khiến dư luận lo ngại nguy cơ bùng phát một cuộc chiến mới giữa hai cường quốc hạt nhân trong khu vực. Mấu chốt đẩy căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng ở Nam Á này là vùng đất Kashmir, thuộc dãy Himalaya - như một vùng đệm - mà cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Đây là nguyên nhân dẫn tới những cuộc đụng độ giữa hai nước này kể từ năm 1947. Trong hơn 60 năm qua, vùng lãnh thổ Kashmir luôn là một cái gai nhức nhối trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan. Trên thực tế, hai bên từng có hai cuộc chiến tranh quy mô lớn vào năm 1965 và 1999 để giành quyền kiểm soát Kashmir. Căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại Kashmir năm 1999 với giao tranh làm hơn 1.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng. Kể từ năm 2003, New Delhi và Islamabad đã thực thi thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập LOC để phân chia ranh giới hai nước tại Kashmir. Song, suốt thời gian qua, hai bên vẫn thường tố cáo nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo giới chức Ấn Độ, trong năm 2012 đã xảy ra 71 vụ nổ súng dọc LOC làm ít nhất 4 binh sĩ Ấn Độ, 2 dân thường và một đối tượng được cho là xâm nhập từ Pakistan thiệt mạng. Các vụ nổ súng cũng làm 15 người khác bị thương. Và, những diễn biến mới nhất được xem là chất xúc tác nguy hiểm hủy hoại nỗ lực của Ấn Độ và Pakistan trong hàn gắn quan hệ hai nước thời gian gần đây.

Còn nhớ, hồi tháng 2-2011, hai nước đã gạt bỏ được sự thù địch sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Mumbai (Ấn Độ) vào năm 2008, để khôi phục lại đàm phán hòa bình, thậm chí hai nước còn tổ chức một trận đấu cricket đầu tiên trong 5 năm qua. Đồng thời, trong tháng cuối năm 2012, Ấn Độ và Pakistan còn ký kết một thỏa thuận dỡ bỏ hạn chế cấp visa với công dân hai nước.

Lo ngại trước những căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây, ngày 9-1, Liên hợp quốc (LHQ) đã lên tiếng kêu gọi Ấn Độ và Pakistan nhanh chóng làm dịu tình hình thông qua đối thoại. Trong một thông cáo tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), người phát ngôn Martin Nesirky cho biết, Nhóm quan sát viên LHQ tại Kashmir (UNMOGIP) đang tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn tới các vụ bạo lực từ ngày 6-1 vừa qua. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Ấn Độ và Pakistan hóa giải căng thẳng thông qua đối thoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland kêu gọi cả hai bên kiềm chế và thực hiện các bước đi nhằm chấm dứt bạo lực.

Dư luận cho rằng, cách tốt nhất để giúp hàn gắn rạn nứt là cả Ấn Độ và Pakistan cùng kiềm chế, tìm giải pháp cho vấn đề thông qua thương lượng, đàm phán hòa bình. Các vụ trả đũa qua lại giữa hai bên chỉ khoét sâu thêm mâu thuẫn, làm cho tình hình thêm trầm trọng. Điều đó sẽ tác động trực tiếp đến toàn khu vực Kashmir đang mong muốn phát triển, gây thiệt hại cho người dân hai nước. Đó hẳn là viễn cảnh mà Ấn Độ và Pakistan không hề mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan: Vết rạn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.