(HNM) - Trái với bầu không khí
Tranh cãi bùng phát sau khi binh sĩ Pakistan được cho là đã vô cớ xả súng dọc ranh giới kiểm soát (LoC) tại khu vực bang Jammu - Kashmir nằm sát biên giới hai nước khiến lực lượng biên phòng Ấn Độ phải nổ súng đáp trả. Tuy không gây thương vong về người nhưng cuộc đọ súng gần 10 phút khiến căng thẳng biên giới hai nước càng thêm phức tạp.
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới tranh chấp Kashmir. |
Cuộc đấu súng chớp nhoáng diễn ra 48 giờ qua chỉ là một trong hàng loạt vụ đấu súng xảy ra tại khu vực biên giới Kashmir tranh chấp do Ấn Độ kiểm soát từ cuối tháng 5 đến nay. Thế nhưng, vụ việc xảy ra vào thời điểm tranh cãi ngoại giao giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân ở khu vực Nam Á có nguy cơ leo thang, sau khi hình ảnh nhà ngoại giao Mohammad Idrees của Pakistan bị New Delhi từ chối cấp visa được chiếu trên các kênh truyền hình Ấn Độ, với những cáo buộc có "sự liên hệ tình báo với tổ chức khủng bố quốc tế Taliban và nhóm LeT".
Trong một bước đi mới nhất trước cáo buộc trên của Ấn Độ, các quan chức của Cao ủy Pakistan tại New Delhi đã có cuộc gặp với đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ để yêu cầu chấm dứt những hành động được cho là "báo cáo sai lệch chống Pakistan". Không dừng lại ở đó, Bộ Ngoại giao Pakistan còn ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc "không chính xác" trên của Ấn Độ. Cố vấn An ninh quốc gia Pakistan Sartaj Aziz trong một tuyên bố mới đây còn lên tiếng chỉ trích phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ N.Modi trong chuyến thăm Bangladesh khi cho rằng Islamabad "khuyến khích khủng bố". Tuy nhiên, đến nay New Delhi chưa đưa ra bình luận nào trước những phản ứng trên của người láng giềng.
Đây không phải lần đầu tiên quan hệ Ấn Độ và Pakistan "tăng nhiệt", đặc biệt tại khu vực biên giới Kashmir. Với chiều dài 720km, LoC là đường biên giới trên thực tế chia vùng Kashmir thuộc dãy núi Himalaya làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát, nhưng cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Kashmir. Hơn một thập kỷ qua kể từ khi hai nước tuyên bố ngừng bắn tại LoC năm 2003, các cuộc đọ súng vẫn thường xuyên xảy ra. Hai bên thường cáo buộc lẫn nhau nổ súng khiêu khích và vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực ranh giới này. Năm 2014 là năm xảy ra xung đột nhiều nhất với 563 vụ khiến nhiều người thiệt mạng, hàng nghìn người mất nhà cửa phải đi lánh nạn. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, căng thẳng biên giới Ấn Độ và Pakistan phản ánh hệ quả tất yếu của mối quan hệ chính trị "xuống cấp" giữa hai nước. Bởi trên thực tế các cuộc đối thoại cấp cao giữa New Delhi và Islamabad đã bị đình trệ kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở thành phố Mumbai của Ấn Độ năm 2008 khiến hơn 170 người thiệt mạng. Phía Ấn Độ cáo buộc một nhóm phiến quân ở Pakistan đứng sau vụ tấn công, trong khi Islamabad bác bỏ liên quan đến vụ này.
Với mong muốn "tìm tiếng nói chung" trong giải quyết các bất đồng cũng như thúc đẩy hợp tác song phương, đầu tháng 3 vừa qua Bí thư Đối ngoại Ấn Độ S.Jaishankar đã có chuyến công du tới Pakistan hai ngày. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay chưa có thêm những chuyển động nhằm hiện thực hóa mong đợi và cam kết của cả hai bên.
Vấn đề là, mối quan hệ chưa thật sự nồng ấm giữa Pakistan và Ấn Độ không chỉ xoay quanh các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà còn phản ánh sự thiếu tin cậy giữa hai quốc gia láng giềng. Điều này sẽ là một cản trở khi cả hai cường quốc hạt nhân tại Nam Á vẫn cần có sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an ninh. Tuy nhiên, để xây dựng được một cơ chế đối thoại song phương thật sự hiệu quả còn là một ẩn số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.