Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quận cũng chịu!

Bài, ảnh Trần Hiệp| 01/11/2010 07:42

(HNM) - Năm 2005, UBND TP Hà Nội có quyết định gắn biển 47 điểm di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội, trong đó có chùa Quang Ân (chùa Làng Tân), tại tổ 16 phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Vậy nhưng sau 5 năm, không những chùa Quang Ân không được gắn biển di tích mà còn đang có nguy cơ được hợp thức hóa thành sở hữu tư nhân…

Cổng Tam Quan còn gần như nguyên vẹn.

Theo văn tự, bia đá còn lưu lại, chùa Quang Ân được xây dựng từ thế kỷ XVII, vốn là nơi thờ tự của nhân dân làng Tân, ngoại thành Hà Nội (nay là tổ 15, 16 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). Qua nhiều biến cố lịch sử, sau này chùa Quang Ân do gia đình cụ Đỗ Vũ Hinh trông nom, quản lý. Trải qua năm tháng chiến tranh, toàn bộ ruộng, vườn, ao chùa trước đây đã biến thành nhà ở, đất ở. Khoảng 800m2 nội tự cũng chỉ còn là nền đất trống, hiện có 4 hộ gia đình sinh sống. Dấu tích cũ của ngôi chùa cổ chỉ còn lại cổng Tam Quan, bức hoành, quả chuông cổ, một số tấm bia đá còn lưu giữ lại… Vậy mà năm 2002, UBND phường Nghĩa Đô, UBND quận Cầu Giấy vẫn xếp 158m2 diện tích trên nền tòa Tam bảo của ngôi chùa cũ để làm hồ sơ, trình UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho vợ chồng ông Đỗ Vũ Chi và bà Đinh Kim Hồng.

Không chỉ là nơi thờ tự của làng Tân, chùa Quang Ân vào thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám còn là một địa chỉ đỏ nuôi giấu cán bộ cách mạng, là nơi tổ chức hội nghị quân sự thành phố tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Chính vì vậy, ngày 5-8-2005, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5563/QĐ-UB, xếp chùa Quang Ân (chùa Làng Tân) đứng thứ sáu trong danh sách 47 điểm di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội được gắn biển di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Vậy mà tháng 6-2006, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã xét xử sơ thẩm vụ án dân sự kiện chia quyền thừa kế giữa các cháu của cụ Đỗ Vũ Hinh đối với diện tích nội tự chùa. Trước nguy cơ chùa Quang Ân bị "xẻ thịt", ngày 16-8-2006, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 3626/UBND-NNĐC giao UBND quận Cầu Giấy, Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất kiểm tra, xác minh, làm rõ việc sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ có liên quan đến chùa Quang Ân. Tiếp đó, ngày 30-10-2006, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án kể trên, quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Cầu Giấy. Ngày 31-8-2007, TAND quận Cầu Giấy có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án xin chia thừa kế để chờ trả lời của UBND quận Cầu Giấy và các cơ quan chức năng về nguồn gốc quyền sử dụng đất này.

Nhằm làm rõ nguồn gốc và giá trị của chùa Quang Ân, ngày 26-8-2008, UBND quận Cầu Giấy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì hội thảo khoa học với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý cấp thành phố, quận Cầu Giấy, phường Nghĩa Đô, các giáo sư sử học, nhà khoa học… Kết quả, chùa Quang Ân được khẳng định là ngôi chùa cổ đã có niên đại hơn 400 năm, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, chùa còn là một di tích cách mạng kháng chiến, là cơ sở hoạt động cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trên cơ sở đó, UBND quận Cầu Giấy đã lập phương án GPMB, tái định cư cho bốn hộ gia đình đang sống trên diện tích nội tự, tu bổ tôn tạo tổng thể di tích chùa Quang Ân.

Ngày 5-1-2010, Ban Tuyên giáo Thành ủy có Văn bản số 738/CV-TG nêu nội dung gắn biển di tích tại chùa Quang Ân như sau: "Từ năm 1943-1945, chùa Quang Ân, xã Nghĩa Đô (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) là nơi ở, làm việc, hội họp và cất giấu tài liệu của cán bộ Việt Minh. Tại đây, tháng 4-1945, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị quân sự toàn thành phố để bàn kế hoạch đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945".

Ngày 14-9-2010, lễ thi công gắn biển di tích chùa Quang Ân được thực hiện đúng thủ tục. Tuy nhiên, gia đình ông Đỗ Vũ Chi đã phản đối gay gắt với lý do đây là "nhà riêng", trên đất "chùa tư" nên việc gắn biển phải được sự đồng ý của gia đình ông. Điều kiện của sự chấp thuận đó là phải đưa dòng họ Đỗ Vũ vào nội dung biển di tích, đồng thời đáp ứng nhiều yêu cầu về tài chính (?).

Trước những yêu cầu phi lý của gia đình ông Đỗ Vũ Chi, UBND quận Cầu Giấy đã dừng việc gắn biển di tích lại vô thời hạn, khiến người dân làng Tân rất bức xúc. Họ đã có đơn xin được tổ chức hội nghị lấy ý kiến toàn dân nhưng UBND quận Cầu Giấy không có hồi âm.

Điều mà người dân làng Tân cũng như dư luận quan tâm lớn nhất hiện nay là tại sao "sổ đỏ" được cấp trên nền tòa Tam bảo sau 8 năm dù đã được rất nhiều cơ quan có văn bản đề nghị nhưng đến nay UBND quận Cầu Giấy vẫn không trả lời được giá trị pháp lý của nó, khiến cho ông Đỗ Vũ Chi vẫn có cơ sở để khẳng định đất chùa là "nhà tư"?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quận cũng chịu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.