Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quán bún “Ngày thứ sáu sẻ chia”

Vũ Ngọc| 16/07/2015 06:12

(HNM) - Vài tháng gần đây, những người lao động nghèo trên địa bàn Hà Nội truyền tai nhau về quán bún bò Huế mang tên O Chanh ở số 30 Ô Chợ Dừa có giá 1.000 đồng/bát.

"Ngày thứ sáu sẻ chia" là tên gọi của chương trình thiện nguyện do Châu Ngọc Diệp lập nên. Mong muốn chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo, anh dành 150 suất bún bò cho họ trong "Ngày thứ sáu sẻ chia". Tuy nhiên, nếu nhiều người lao động đến ăn, anh vẫn sẵn sàng phục vụ tới 200-300 suất.

Nhà khoa học... bán bún bò

Châu Ngọc Diệp sinh năm 1985, là chàng trai gốc Huế, như có duyên nợ với Hà Nội nên anh chọn đây là quê hương thứ hai của mình. Hiện anh là cán bộ nghiên cứu ngành hóa sinh biển tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Anh chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ vào cuối năm. Mặc dù công việc bận rộn nhưng cứ vào ngày thứ sáu là anh xin nghỉ làm để phục vụ những vị khách đặc biệt của mình. Anh đích thân vào bếp, nấu nước dùng, sơ chế nguyên liệu, đưa bát bún tận tay những người lao động.

Khách hàng thưởng thức bún bò Huế tại quán O Chanh.


Ấn tượng của anh đối với chúng tôi đó là một người điềm đạm, từ tốn từ lời nói đến hành động. Hễ có khách đến anh chào hỏi ân cần, thân thiện phát phiếu rồi mời họ vào bàn. Xong xuôi thì lặng lẽ quay lại bếp chuẩn bị đồ ăn cho khách. Sở dĩ nhà khoa học trẻ chọn ngày thứ sáu để làm công việc thiện nguyện, bởi anh nghĩ, sau một tuần làm việc vất vả, hai ngày thứ bảy và chủ nhật mọi người thường nghỉ ngơi, dành tình cảm cho gia đình. Khi còn nhỏ, Châu Ngọc Diệp đã cùng gia đình tham gia các hoạt động thiện nguyện tại chùa, bệnh viện. Dường như những việc làm ấy đã ăn sâu vào tiềm thức. Anh nhớ, có lần mấy mẹ con anh chuẩn bị phong bì, mỗi phong bì chỉ có khoảng 50.000 đồng thôi. Mấy mẹ con vào Bệnh viện K2 tại Phú Quốc, Kiên Giang - nơi gia đình anh đang sinh sống, không nói không rằng với ai, cứ thấy những người mặc áo bệnh nhân là đưa phong bì. Gia đình anh làm việc này đơn giản vì cảm thấy những người bệnh cần được chia sẻ.

Do đi làm hành chính nên không có thời gian tham gia hoạt động thiện nguyện đều đặn, nhưng mong muốn làm việc thiện chưa bao giờ nguôi trong anh. Làm việc nhà nước nhưng sẵn "máu" kinh doanh nên mới đây, Châu Ngọc Diệp đã mở quán bún bò Huế trên đường Ô Chợ Dừa mang tên quán của gia đình tại Phú Quốc. Không chỉ kinh doanh bình thường, anh Diệp đã nghĩ đến những người kém may mắn, người lao động vất vả nhưng thu nhập không cao. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh đem ý định của mình ra bàn bạc với gia đình và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ mẹ và em trai. Chương trình "Ngày thứ sáu sẻ chia" ra đời từ đó. Vậy là cứ vào ngày thứ sáu đầu tháng, cả nhà anh ai đó đều dậy thật sớm. Người đi chợ mua nguyên liệu, người tất tả dọn dẹp quán thật sạch sẽ để đón khách. Mẹ anh - cô Ngũ Thị Oanh, hiện đang quản lý cơ sở bún bò O Chanh đang "ăn nên làm ra" tại Phú Quốc, tuy nhiên, cứ trước chương trình "Ngày thứ sáu sẻ chia" một tuần cô lại bay ra Hà Nội để cùng các con chuẩn bị.

Cô Oanh cho biết: "Cuộc sống là thế, ngẩng đầu lên thì không bằng ai, nhìn xuống dưới thì nhiều người khổ hơn mình. Những người lao động nghèo vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà thiệt thòi, đi chợ, bán hàng bạ đâu ăn đó, cứ rẻ là tốt. Tôi mừng vì con trai biết thương những người lao động nghèo, thứ sáu nào tôi cũng thu vé, phát vé cho khách, phụ giúp con trai".

Vừa thoăn thoắt chuẩn bị đồ ăn cho khách, anh Diệp vừa chia sẻ, ngoài việc thực hiện chương trình này mỗi tháng một lần, anh vẫn tham gia cùng với đội từ thiện đến bệnh viện để phát cháo, quyên góp quần áo, cũng như phát động chương trình từ thiện tại cơ quan để cuối năm có thể đến vùng cao trao quà cho trẻ em nghèo. Cái tên Châu Ngọc Diệp đã gắn liền với nhiều hoạt động thiện nguyện trong suốt mấy năm qua. Điển hình là chương trình chia sẻ áo ấm cho trẻ em nghèo ở Sơn La, nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân tại Bệnh viện K Hà Nội.

Niềm vui của người lao động nghèo

Vào khoảng 9h, số phiếu phát cho khách đã là số 61. Vào những ngày thường, mỗi bát bún được bán với giá 35.000 đồng, nhưng hôm nay chúng được bán với giá 1.000 đồng. Khi chúng tôi hỏi anh tại sao lại là 1.000 đồng mà không phải miễn phí thì anh cười và giải thích là thu cho có lệ. Đồng thời, khi trả tiền khách hàng trả luôn phiếu, tránh trường hợp bị mất phiếu. Vào những ngày này, quán sẽ phục vụ khách từ 5h đến 22h hoặc muộn hơn. Ngày bình thường chỉ đến 21h là quán đóng cửa. Để có được 150 suất bún bò, chi phí anh bỏ ra khoảng 4 triệu đồng. Ai cũng biết việc kinh doanh phải có lãi để trả tiền mặt bằng, để thuê nhân viên và mang lại thu nhập cho bản thân. Theo quan điểm của Châu Ngọc Diệp thì thu nhập của bản thân đáng 10 thì anh sẽ tặng cho người nghèo khoảng 3 đến 4 phần. "Điều quan trọng nhất là bản thân tôi, gia đình cảm thấy vui và hạnh phúc khi làm được việc ý nghĩa", anh nói.

Rất nhiều người vào thưởng thức món bún bò thấy chương trình ý nghĩa nên muốn trả tiền nhiều hơn, họ trả 5.000 - 10.000 đồng nhưng anh nhất quyết không lấy. Thỉnh thoảng có người ăn xong muốn ở lại hỗ trợ việc rửa bát nhưng gia đình anh từ chối. "Chỉ mong họ có những giây phút thoải mái nhất khi tận hưởng bát bún nên tôi luôn nhắc nhân viên phục vụ hết mình. Quán có nhân viên chuyên rửa bát riêng, tấm lòng của họ chúng tôi luôn ghi nhận", anh Diệp chia sẻ. Anh cũng cho biết thêm, khi tổ chức chương trình này, cả gia đình muốn thực hiện theo đúng tên gọi và ý nghĩa của nó. Do vậy, có nhiều khách khi đến ăn ngỏ ý chia sẻ, trả tiền như bình thường anh đều khước từ và không quên gửi lời cảm ơn.

Chị Đinh Thị Niên (47 tuổi, trú tại Xuân Trường - Nam Định) làm nghề buôn bán đồng nát có thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng, khi đi qua khu vực này thấy quán bán bún bò giá 1.000 đồng, ban đầu không tin, nhưng sau khi hỏi lại nhân viên đã quyết định vào thưởng thức bát bún bò và không khỏi cảm động trước tấm lòng của chủ quán. Chị rưng rưng nói: "Mười năm từ quê ra Hà Nội làm việc nhưng đây là lần đầu tiên được ăn bát bún ngon như thế này". Bác Nguyễn Văn Lâm, nhà ở số 37 Ô Chợ Dừa cảm động cho biết: "Thời buổi kinh tế thị trường, đồng tiền chi phối con người rất nhiều. Thủ đô mọi thứ đắt đỏ, mở mắt ra là tiền. Không ngờ rằng còn có những con người như gia đình cháu Diệp. Chúng tôi rất vui, rất cảm ơn".

Quán bún bò O Chanh của gia đình anh Diệp có hai cơ sở, một ở Hà Nội và một ở Phú Quốc. Thứ sáu hằng tuần, cơ sở trong Phú Quốc cũng phát phiếu bún bò giá 1.000 đồng cho bệnh nhân Bệnh viện K2 Phú Quốc. Hiện tại, do còn gặp khó khăn nên cơ sở ở Hà Nội chỉ triển khai mỗi tháng một lần và gia đình anh Diệp đang cố gắng sắp xếp thời gian để "Thứ sáu sẻ chia" có thể triển khai hằng tuần, mang lại chút niềm vui nho nhỏ cho những người lao động nghèo ở Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quán bún “Ngày thứ sáu sẻ chia”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.