Cây bút trẻ Hiền Trang là một tác giả sống được bằng nghề. Chính từ chất liệu mang tính trải nghiệm tự thân này, Hiền Trang đã kiến tạo nên một thế giới vừa hiện thực vừa huyền ảo siêu thực trong tác phẩm mới nhất của chị, tiểu thuyết “Quán bar trong bụng cá voi”.
Kể về câu chuyện của người viết, nên trong “Quán bar trong bụng cá voi”, ta bắt gặp chút “tự truyện”, “tự bạch” và đâu đó là những miền huyền ảo lung linh của sự giả tưởng về một quán bar trong bụng con cá voi. Kiểu kết hợp giữa hiện thực của những câu chuyện liên quan trực diện đến tác giả trong đời thực và huyền ảo như một sự phân thân, giả tưởng một thế giới khác, tôi gọi đó là một sự giả lập bản thể. Bởi, dù nhà văn có xây dựng nên thế giới hiện thực hay giả tưởng thì cũng không trượt ngoài một nội dung mang tính bản nguyên, bản thể. Một dạng bản thể được nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Và cái bản thể ở đây không chỉ là con người nhà văn, mà còn là cái nghề nhà văn đang làm, là cuộc sống nhà văn đang sống.
Với vốn kiến văn phong phú, lối viết ngôn từ tinh tế, câu văn đầy ắp nghĩa, những dòng văn được trau chuốt chỉn chu, khả năng miêu tả hàm súc, lôi cuốn và cách dẫn dắt truyện thú vị cùng chủ đề gợi những “điểm nhìn tham chiếu”, “Quán bar trong bụng cá voi” rất cuốn hút người đọc. Dù không phải là tác phẩm có yếu tố trinh thám, nhưng nghệ thuật cài cắm tình tiết truyện có sử dụng đôi chút trinh thám của tác giả đã mang đến cấu trúc truyện hấp dẫn, tạo nhiều bất ngờ nơi người đọc, như vụ cuộc họp giao lưu bạn đọc cho tác giả mới bất thành sau vụ giết người ở cuối truyện. Đặc biệt, nhà văn giấu nhẹm nhân vật gây án, tạo sự tò mò cho người đọc.
“Quán bar trong bụng cá voi” là thế giới của những người đọc và những người viết. Ở đó tác giả cố tình phân thân, phân mảnh, tự hóa thân thành những nhân vật, để trả lời cho những câu hỏi của chính mình: Viết để làm gì? Viết có ý nghĩa gì? Tại sao tôi viết? Viết cho ai?... Đây đều là những câu hỏi mà có lẽ không một người viết nào không ít nhất một lần tự đặt ra. Và ở đây, nhà văn Hiền Trang đã khéo léo đặt những câu hỏi ấy vào trong một lộ trình sáng tác để sáng tạo nên tiểu thuyết này.
Tuy nhiên, ở một phương diện nào đó, vì cố tình phân lập bản thân để đặt và trả lời những câu hỏi của chính mình, tác giả vô tình tạo nên những đoạn văn hơi dài dòng và có thể không thực sự cần thiết. Bỏ qua những tiểu tiết đó, tiểu thuyết “Quán bar trong bụng cá voi” là một tác phẩm đáng đọc. Độc giả yêu sự đọc sẽ nhận chân ra được nhiều vấn đề liên quan đến “sự viết”, đặc biệt là những người viết trẻ.
“Quán bar trong bụng cá voi” do Nhã Nam và NXB Văn học liên kết xuất bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.