(HNM) - Sau 3 tháng đi vào hoạt động, quận Bắc Từ Liêm vẫn còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất và nhân sự, song quận đang nỗ lực khắc phục, nhằm thực hiện hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Như Ý |
Tận tình phục vụ công dân
8h ngày 27-6, chị Nguyễn Thu Thảo, ở tổ 27, Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, có mặt tại bộ phận "Tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính" của quận Bắc Từ Liêm để chứng thực bằng đại học và bảng điểm. Theo phiếu xếp hàng tự động, chị là người thứ 29, sẽ được lấy kết quả ngay trong buổi sáng. Điều này làm chị rất hài lòng vì đã từng đi hỏi về thủ tục chứng thực ở nơi khác và bị hẹn tới vài ngày sau mới trả kết quả. Còn với anh Nguyễn Tiến Dũng, ở phường Cổ Nhuế, đến làm thủ tục liên quan đến nhà đất cho biết: "Tôi đã từng đi làm thủ tục ở bộ phận "một cửa" của UBND huyện Từ Liêm khi chưa tách quận, phải xếp hàng cả ngày vẫn không đến lượt. Bây giờ đến làm thủ tục ở quận mới tôi thấy không còn cảnh quá đông người chờ đợi. Mọi việc đều được giải quyết nhanh gọn, thuận tiện". Đến 11h trưa, vẫn còn khá nhiều người dân đang ngồi trong bộ phận "một cửa" để hoàn thành nốt thủ tục của mình và được cán bộ vẫn tiếp đón niềm nở. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều công dân đến làm thủ tục cho biết, quận bố trí bộ phận "một cửa" với nhiều ghế ngồi, rộng rãi, có điều hòa mát mẻ và nước uống phục vụ công dân rất chu đáo. Và điều quan trọng hơn cả là thái độ hòa nhã, đúng mực của từng cán bộ khi tiếp xúc với công dân khiến người dân cảm thấy hài lòng.
Trước đó, để bảo đảm việc giải quyết TTHC được thông suốt, các cán bộ vẫn làm việc hết ngày 31-3 ở huyện Từ Liêm, đến tối mới chia tách hồ sơ thuộc 2 quận để ngày 1-4 mở cửa tiếp đón công dân bình thường ở trụ sở 2 quận mới. Hiện Quận ủy, HĐND và UBND quận Bắc Từ Liêm đang được TP Hà Nội cho sử dụng các tòa nhà tái định cư trên đường Kiều Mai làm trụ sở tạm. Ngay từ đầu quận đã xác định, các phòng chuyên môn có thể chưa hoàn thiện nhưng riêng bộ phận "một cửa" phải được quan tâm đầu tư. Do vậy, quận bố trí diện tích 300m2, lắp đặt đầy đủ trang thiết bị của bộ phận "một cửa" hiện đại để phục vụ nhân dân. Trong ba tháng 4, 5 và 6, quận Bắc Từ Liêm đã giải quyết 10.596/11.028 hồ sơ tiếp nhận. Trung bình một ngày, bộ phận "một cửa" tiếp hơn 500 lượt công dân. Nhằm tạo thuận tiện cho công dân, đồng thời, giảm áp lực cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ, quận đã bố trí một cán bộ trực từ 7h sáng đến 16h để phát miễn phí các biểu mẫu cũng như hướng dẫn công dân cách thực hiện thủ tục. Bên cạnh đó, quận tăng cường tuyên truyền về cải cách hành chính, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện công tác cải cách hành chính. Cùng với việc niêm yết, đăng tải công khai các thông tin về TTHC, quy trình giải quyết TTHC trên Cổng thông tin điện tử và tại bộ phận "một cửa", quận còn niêm yết tại các nhà văn hóa của các khu dân cư trên địa bàn để người dân thuận tiện tìm hiểu.
"Gồng mình" đảm đương công việc
Khi thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận mới, số cán bộ của bộ phận "một cửa" huyện Từ Liêm được chia đôi về bộ phận "một cửa" của Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Thực tế cho thấy, khi tách thành 2 quận thì số người đến giao dịch hồ sơ hành chính không còn bị quá tải như trước. Tuy nhiên, hiện 6 cán bộ "một cửa" vẫn phải đảm đương rất nhiều đầu việc, trong khi đó, thời gian ngồi giao dịch, giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân đã cơ bản chiếm hết thời gian. Hầu hết các văn bản, quy định mới, cán bộ phải tranh thủ nghiên cứu ngoài giờ hành chính hoặc "truyền miệng" cho nhau để kịp đáp ứng yêu cầu công việc. Và điều thiệt thòi cho cán bộ là không được bố trí tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ vì không có người thay thế. Theo Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Kim Oanh, quận quan tâm xây dựng đội ngũ theo cách "một cán bộ thạo nhiều việc" để ứng trực xử lý được nhiều tình huống. Tuy nhiên, với số lượng hiện tại, cán bộ "không được ốm" bởi chỉ một người nghỉ là ảnh hưởng lớn tới việc giải quyết hồ sơ cho công dân. Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, hiện bộ phận "một cửa" quận Bắc Từ Liêm đang rất cần bổ sung 2 cán bộ, trong đó phải có một cán bộ có chuyên ngành xây dựng để đọc được các bản vẽ, các hồ sơ mang tính kỹ thuật cao. Lĩnh vực này nếu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ không đúng thì sẽ rất phức tạp, bởi lượng giao dịch về thủ tục thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường của quận khá cao (trung bình mỗi tháng tiếp nhận hơn 1.200 hồ sơ). Tương tự, lĩnh vực tư pháp cũng tiếp nhận trung bình hơn 2.000 hồ sơ/tháng, chưa kể vào những tháng cao điểm như mùa thi thì lượng hồ sơ tăng lên nhiều bởi trên địa bàn có nhiều học sinh, sinh viên. Thậm chí, công dân ở các địa bàn lân cận cũng thường tới đây làm chứng thực, trong khi đó, đầu việc của cán bộ tư pháp nhiều. Hết giờ tiếp công dân cán bộ lại phải thực hiện việc vào sổ sách theo dõi, kiểm ngân, nộp phí, lệ phí vào quỹ theo quy định...
Trước nhiều khó khăn, quận Bắc Từ Liêm đã cố gắng khắc phục, bước đầu thực hiện hiệu quả việc giải quyết TTHC cho công dân. Tuy nhiên, thời gian tới, quận cần sớm triển khai xác định vị trí việc làm, báo cáo nhu cầu tuyển dụng công chức tại các vị trí. Trên cơ sở đó kiến nghị cấp trên xem xét, bổ sung biên chế để bảo đảm bộ máy hành chính nhà nước ở quận mới hoạt động hiệu quả, lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.