Bạn đọc

Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Cấp bách tổ chức sắp xếp hoạt động hệ thống chợ

Kiều Oanh 23/12/2024 - 08:47

Nhiều tuyến đường, ngõ, ngách bị chiếm dụng làm nơi họp chợ cóc tự phát, buôn bán gây cản trở giao thông và mất trật tự đô thị trong khi chợ được đầu tư xây dựng khang trang lại bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua. Đây là nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, gây bức xúc dư luận.

bac-tu-liem.jpg
Chợ Phúc Lý (quận Bắc Từ Liêm) xây dựng quy mô nhưng chưa thể đi vào hoạt động.

Chợ tự phát hình thành khắp nơi

Một trong những “điểm nóng” về chợ tự phát trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm gây nhức nhối dư luận là điểm chợ lấn chiếm hè, đường dọc tuyến quốc lộ 32, đoạn đi qua chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai). Khu vực này là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông vì vỉa hè, lòng đường bị người bán hàng chiếm dụng, bày bán các loại hàng hóa. Xe thồ, ô tô chở hàng cùng người mua hàng dừng xe mua bán ngay dưới lòng đường. Trong khi đây là tuyến đường thường xuyên đông đúc vì là một trong những cửa ngõ ra vào Thủ đô. Tình trạng này diễn ra từ 23h hôm trước cho đến 17h hôm sau, ảnh hưởng đến trật tự đô thị, nguy cơ dẫn đến va chạm giao thông rất cao.

Tiếp đến là điểm chợ tự phát họp ngay cạnh đường tàu hỏa ở ngõ 119 đường Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế 2). Chợ họp dưới lòng đường, trên vỉa hè và ngay sát mép đường tàu. Nhiều người bán hàng “vô tư” dựng những chiếc ô tô và kê bàn rộng dưới lòng đường để bán hàng. Người bán rong thì trải ni lông dưới lòng đường, bày hàng hóa. Chính quyền phường sở tại đã dựng một tấm biển khổ lớn ngay cạnh đường tàu ghi nội dung rõ ràng: Cấm các loại phương tiện dừng đỗ trong khuôn khổ giới hạn an toàn chạy tàu; cấm bán hàng trong khu vực đường tàu; cấm đổ rác, phế thải ra đường sắt. Thế nhưng, trên thực tế những cảnh báo trên tấm biển đã trở nên vô hiệu. Thậm chí, rào chắn cạnh đường tàu bị biến thành chỗ phơi bạt, bao tải đựng hàng, trông rất phản cảm, mất mỹ quan. Rác, phế thải chất đống to nhỏ dọc khu vực, không được thu gom thường xuyên.

Một điểm chợ khác phải kể đến là chợ họp trên đường Tân Xuân, từ đầu ngõ 116 phố Phạm Văn Đồng sang ngõ 87 đường Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh). Con ngõ nhỏ này bị các tiểu thương biến thành nơi căng ô bạt, bày bán hàng hóa các loại, từ nông sản cho đến thực phẩm tươi sống. Người đi qua đây không chỉ lo sợ va chạm vì quá đông đúc, mà còn luôn cảm thấy ngột ngạt vì mùi tanh hôi từ việc giết mổ, chế biến thực phẩm bốc lên.

Ngoài ba điểm chợ tự phát kể trên, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm còn tồn tại hàng chục điểm chợ họp bên đường giao thông hoặc các tuyến đường ngõ như chợ hoa Tây Tựu, chợ tạm Văn Trì, chợ tạm Cổng Nền, chợ Đình Quán, thuộc địa bàn các phường Minh Khai, Tây Tựu, Phúc Diễn...

Chợ xây xong bỏ hoang

Đáng nói là, trong khi nhiều chợ tạm, tự phát mọc tràn lan, lấn chiếm hè, đường, thì ngôi chợ chính quy mô lớn, được đầu tư xây dựng khang trang trên địa bàn lại đang bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực.

Cụ thể, cách đây hơn 10 năm, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã được đầu tư xây dựng chợ quy mô lớn mang tên chợ Phúc Lý ở phường Minh Khai, theo Quyết định số 5117/QĐ-UBND ngày 17-11-2008 của UBND huyện Từ Liêm. Công trình hoàn thành từ tháng 10-2017 với quy mô diện tích 3.937m2 gồm khu nhà chợ chính hai tầng, khu vực ngoài trời và các khu chức năng. Tuy nhiên, đến nay chợ vẫn bỏ hoang, cửa đóng then cài, nhiều hạng mục đang xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, nhiều năm qua, UBND quận đã quan tâm, thực hiện nhiều biện pháp để đưa chợ Phúc Lý vào hoạt động. Cụ thể, ngày 30-10-2017, UBND quận đã có Văn bản số 8120/QĐ-UBND phê duyệt các phương án quản lý chợ, từ nội quy, quy chế, sắp xếp ngành hàng, phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ...

Tiếp đó, ngày 5-3-2019, UBND quận ban hành Quyết định 936/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy chế đấu giá điểm kinh doanh tại chợ. Kết quả thời điểm đó có 9 hộ trúng thầu giá ki ốt và 5 hộ trúng thầu đấu giá vị trí kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, các hộ trúng thầu đã không ký hợp đồng và kinh doanh tại chợ. UBND quận tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý chợ thông báo rộng rãi, kêu gọi các hộ vào chợ kinh doanh.

Gần đây nhất, ngày 30-7-2024, UBND quận cũng đã ban hành Văn bản số 2489/UBND-KT chỉ đạo UBND các phường Minh Khai, Tây Tựu, Phúc Diễn xây dựng kế hoạch giải tỏa các điểm chợ tạm trên địa bàn; đồng thời, tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh chuyển về chợ chính, trong đó có chợ Phúc Lý. Tuy nhiên, cho đến nay, việc thu hút tiểu thương vào chợ vẫn khó khăn vì chợ nằm ở khu vực dân cư thưa thớt, không thuận tiện về giao thương. Mặt khác, chợ thiết kế hai tầng, chia ki ốt, không phù hợp với mô hình chợ dân sinh truyền thống.

Trưởng ban Quản lý chợ Phúc Lý Chu Đức Thuận cho rằng, mặc dù thực hiện nhiều biện pháp song đến nay vẫn không có bất kỳ hộ kinh doanh nào vào chợ. Ban Quản lý chợ đề nghị UBND quận và các ban ngành chuyển đổi xã hội hóa, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ Phúc Lý để tránh lãng phí.

Về phía UBND quận Bắc Từ Liêm, Trưởng phòng Kinh tế Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, phòng đang nghiên cứu, tham mưu UBND quận về việc chuyển đổi mô hình hoạt động chợ Phúc Lý để giải quyết tình trạng chợ xây xong bỏ hoang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Cấp bách tổ chức sắp xếp hoạt động hệ thống chợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.