Năm 2016, lần đầu tiên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học cho sinh viên cuối khóa.
Sinh viên bị bất ngờ?
Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS-TS Lưu Văn An- Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền xung quanh quyết định gây sốc này.
Ông Lưu Văn An – Phó Gíam đốc HVBC&TT trả lời phỏng vấn về vấn đề chuẩn đầu ra ngoại ngữ. |
PV: Thưa ông, tại sao mức sàn chuẩn đã được ban hành từ năm 2013, nhưng đến bây giờ có nhiều sinh viên vẫn phản ánh là bất ngờ và không chuẩn bị kịp?
PGS-TS Lưu Văn An: Vấn đề đấy đối với các em sinh viên cần xem xét khả năng nắm bắt thông tin của mình. Vì quy định này đã được nhà trường phổ biến trong các đợt tiếp xúc sinh viên, đăng tải rộng rãi trên Websile chính thức của trường. Ngoài ra, các giảng viên phụ trách lớp cũng chịu trách nhiệm phổ biến quy chế này đến từng lớp học. Quy định này có thể xem là cần và đủ để đào tạo ra một thế hệ sinh viên đạt chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, trình độ, kĩ năng của các em.
PV: Đối với khung B1, B2 đều yêu cầu các kĩ năng Nghe – nói – đọc – viết rất cao. Vậy, sau năm 2013 quá trình giảng dạy bộ môn ngoại ngữ trong nhà trường có tiến hành đổi mới các phương pháp giảng dạy hay không?
PGS-TS Lưu Văn An: Sau năm 2013, nhà trường đã chỉ đạo cho khoa tiến hành chuyển dịch. Tiến hành lập trung tâm ngoại ngữ (do bộ phận bồi dưỡng tại Ban đào tạo quản lí ) giúp sinh viên có nhu cầu học ngoại ngữ có chỗ học tại trường, tiện nghi, giá hợp lí. Đoàn trường tổ chức các câu lạc bộ Ngoại ngữ để giúp sinh viên học tập, đã tổ chức các cuộc thi hùng biện tiếng Anh nhằm tạo không khí sôi nổi trong học ngoại ngữ. Điều chỉnh chương trình ngoại ngữ chính khóa từ 10 tín chỉ lên thành 15 tín chỉ. Tổ chức các lớp học hè cho sinh viên. Các bài thi học phần và thi giữa kì được thiết kế theo hướng tiếp cận với dạng thức chuẩn đầu ra. Tiếp tục tìm kiếm, hợp tác với giáo viên nước ngoài trong dạy học ngoại ngữ.
PV: Theo ông, định mức như vậy là đã hợp lí chưa?
PGS-TS Lưu Văn An: Định mức như vậy là vô cùng hợp lí, và theo nhận định của nhà trường là còn có phần chậm. Sau khi tham khảo các trường xung quanh như ĐH Ngoại ngữ, ĐH Thương mại, ĐH Hà Nội… căn cứ vào tình hình thực tế để quy định chuẩn đầu ra phù hợp theo chuyên ngành và nhu cầu sử dụng của nhà tuyển dụng.
Quá nửa sinh viên Học viện Báo chí nguy cơ không được tốt nghiệp vì yếu ngoại ngữ. Ảnh minh họa |
Mới chỉ có 40% sinh viên đạt chuẩn
PV: Hiện tại, trình độ sinh viên sau 4 năm học ngoại ngữ như thế nào?
PGS-TS Lưu Văn An: Chủ yếu các em sinh viên đa số thích ứng, nắm bắt được quy định mới, chủ động trong việc học phương pháp ở trường và tự rèn luyện ở nhà nên kết quả khá tốt thể hiện kết quả trong các đợt thi. Tuy nhiên, không ngoại lệ một số em khác đang lơ là, thụ động dẫn tới kết quả đạt được không cao, không đủ mức chỉ tiêu đề ra.
PV: Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết thì hiện mới có 40% sinh viên đạt chuẩn?
PGS-TS Lưu Văn An: Trường đã tổ chức 5 trong tổng số 7 đợt thi trước lúc bế giảng. Qua 4 đợt thi với đa dạng thành phần tham gia dự thi gồm cả cao học và sinh viên. Kết quả nhà trường nhận được là 40% thí sinh đạt chuẩn đầu ra. Đây là con số rất lớn đáng lo ngại. 60% còn lại và các em chưa tham gia thi, các em sẽ có thời gian để ôn luyện trước đợt thi cuối cùng (23 – 24/6). Nhà trường sẽ tổ chức liên tục các đợt thi tiếp theo, tạo điều kiện để giúp các em hoàn thành chương trình.
PV: Nhà trường có giải pháp gì để giúp các sinh viên đang gặp khó khăn trong vấn đề ngoại ngữ, có khả năng bị treo bằng, thưa ông?
PGS-TS Lưu Văn An: Hiện tại, từ phía đề xuất của khoa, nhà trường tiến hành tổ chức các lớp đào tạo ngoại ngữ, kĩ năng thực hiện bài thi miễn phí cho các em sinh viên khóa K32 từ ngày 1- 6 đến ngày 8 – 6 – 2016. Khóa học do giảng viên trong trường kết hợp với đội ngũ tình nguyện viên là giảng viên quốc tế, các sinh viên Học viện Ngoại giao hỗ trợ. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án mang tính tạm thời, nước rút giúp các em sinh viên K32 hoàn thành kì thi tốt nhất. Học một ngôn ngoại ngữ đòi hỏi cả một quá trình khổ luyện, không thể “ăn xổi” hay “nhảy cóc” vẫn mong có kết quả tốt được.
PV: Xin cảm ơn ông!
Học viện Báo chí - Tuyên truyền áp chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với các sinh viên ngành ngôn ngữ Anh được áp dụng cao nhất – chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt trình độ ngoại ngữ C1 khung Châu Âu (tương đương 600 điểm TOEIC hoặc 560 điểm TOEFL hoặc 6.5 điểm IELTS); sinh viên các ngành Xã hội học, Báo chí, Phát thanh, Truyền hình… chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt năng lực ngoại ngữ trình độ B2 khung Châu Âu (tương đương 500 điểm IELTS); sinh viên các ngành chính trị, quản lý kinh tế, công tác xã hội,… chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt năng lực ngoại ngữ trình độ B1 khung Châu Âu (tương đương 450 điểm TOEIC hoặc 470 điểm TOEFL hoặc 4.5 điểm IELT). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.