1. Theo quy định, muốn nhập vào Việt Nam, nguyên liệu sữa, sữa và các sản phẩm từ sữa phải được các cơ quan như Viện Dinh dưỡng quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng... kiểm định chất lượng; hoặc doanh nghiệp phải có chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng của các cơ quan kiểm nghiệm cấp quốc tế và độc lập với doanh nghiệp.
Cục ATVSTP - Bộ Y tế sẽ tiếp nhận hồ sơ xin nhập khẩu của doanh nghiệp và thẩm định hồ sơ dựa trên cơ sở nói trên. Nếu hồ sơ hoàn chỉnh, chỉ cần có kết quả tự công bố chất lượng đạt yêu cầu, tức là doanh nghiệp có thể đủ điều kiện được cấp phép nhập khẩu. Vì việc cấp phép quá dễ dàng này nên rất nhiều sản phẩm sữa nhập khẩu không đạt chất lượng. Sản phẩm trước khi lưu hành chỉ được xét nghiệm về vi sinh vật, kim loại nặng... còn chỉ tiêu quan trọng là hàm lượng các vi chất chủ yếu thì lại bị bỏ quên...
2. Vụ hàng trăm tấn thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu kém chất lượng của Công ty cổ phần Thực phẩm VN (Vinafood) xuất bán ra thị trường nhưng không khai báo cơ quan thú y địa phương được phát hiện hồi tháng 7 năm 2009 là một điển hình cho việc quản lý lỏng lẻo. Đúng ra, lô hàng này từ cảng vận chuyển về kho phải được Trung tâm Thú y Vùng VI thông báo cho cơ quan thú y địa phương biết để giám sát, kiểm tra. Nhưng cơ quan thú y địa phương hoàn toàn không hay biết việc này. Lãnh đạo Trung tâm Thú y Vùng VI giải thích: Do tạo điều kiện cho các DN giải phóng hàng ở cảng được nhanh chóng nên trung tâm cho phép DN chuyển hàng về kho lạnh trước, sau đó làm thủ tục, lấy mẫu kiểm tra sau... Chính cách làm này đã tạo điều kiện cho DN gian dối vì hàng vận chuyển từ cảng về kho không hề có niêm phong của ngành thú y. Trên đường vận chuyển, nhập kho... không ai kiểm soát nên DN có rất nhiều thời gian để tráo, trộn hàng kém chất lượng...
3. Trong mấy tuần gần đây, cơ quan chức năng đã bắt giữ vài chục vụ vận chuyển, tàng trữ nội tạng động vật, thịt "bẩn", bì lợn thối... có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, vụ ít cũng có tới 300kg, vụ nhiều lên tới 1.400kg. Sở dĩ có tình trạng này là do chính sách mua bán hàng hóa giữa cư dân hai bên biên giới theo Quyết định 254 của Chính phủ, theo đó mỗi người dân ở cửa khẩu được phép mua lô hàng có trị giá dưới 2 triệu đồng không phải làm các thủ tục hải quan, đóng thuế. Lợi dụng kẽ hở, hầu như hàng hóa, thực phẩm hiện nay là nhập biên mậu. Các "cửu vạn" gánh hàng thuê cho các chủ có thể thoải mái xé lẻ các bao đựng nội tạng động vật để xách dần về điểm tập kết bí mật.
Lỗ hổng không chỉ tồn tại ở các ngành hàng sữa, thịt gia súc, gia cầm mà còn rất nhiều ngành hàng khác. ATVSTP từ lâu vẫn là một vấn đề nóng. Dự thảo Luật ATVSTP sẽ được thông qua trong một thời gian ngắn nữa nhưng vấn đề này chỉ thực sự được giải quyết khi chúng ta bịt được các lỗ hổng trong quản lý thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.