Theo dõi Báo Hànộimới trên

Qua kiểm toán, một số ngân hàng vượt trần tín dụng

Hương Thủy| 28/05/2023 17:59

(HNMO) - Kết quả kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép.

Ảnh minh họa: TTXVN

Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2022 Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngân hàng, năm 2022, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Kết quả cho thấy, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 1,84%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Các ngân hàng được kiểm toán bảo đảm các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.

Song, với mức tăng tưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%, tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung, tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao (năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%); chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn, vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa được giao trong năm có Ngân hàng TMCP Bản Việt (được giao 13,48%, thực hiện 15,67%); vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa tại các thời điểm trong năm có Ngân hàng TMCP Phương Đông (tại 31-7-2021, 31-8-2021, 30-9-2021, 31-10-2021)...

Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; còn nợ tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm; hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa đúng quy định; chưa kê khai nộp thuế đối với thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ thư tín dụng theo quy định.

Về kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện đề án đến hết năm 2020 cho thấy, hoạt động của hệ thống ngân hàng cơ bản được kiểm soát an toàn; năng lực tài chính, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng được nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan; mô hình kinh doanh chuyển dịch dần từ lệ thuộc hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ...

Song, còn một số tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện ảnh hưởng đến mục tiêu, kết quả đề án. Đó là, việc phê duyệt, ban hành đề án, phương án cơ cấu lại còn chậm, một số tổ chức tín dụng chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện một số mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại. Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện thanh tra chuyên đề việc thực hiện phương án cơ cấu lại đối với các tổ chức tín dụng; một số bộ, ngành chưa hoàn thành một số nhiệm vụ được giao tại đề án.

Cũng qua kiểm toán, nhiều tổ chức tín dụng xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; nếu tính toán, xác định lại, một số tổ chức tín dụng không đạt được mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Kết thúc giai đoạn thực hiện đề án, còn một số mục tiêu, giải pháp chưa hoàn thành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Qua kiểm toán, một số ngân hàng vượt trần tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.