(HNM) - Góp phần vào sự phát triển nền kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, thời gian qua, ngành du lịch đã hoàn thành tốt sứ mệnh mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới. Tầm vóc và vị thế Việt Nam ngày càng được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới.
Khách tham quan khu du lịch sinh thái Vân Long (Ninh Bình). Ảnh: Yến Ngọc |
Sức hút phố cổ
Thật khó để kể hết nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Chỉ biết rằng, với kho báu danh lam, thắng cảnh, di sản văn hóa, bờ biển trải dài từ Bắc chí Nam... mà không phải quốc gia nào cũng có, Việt Nam đang trở thành điểm dừng chân được nhiều du khách quốc tế lựa chọn.
Luôn ghi nhớ ý kiến đóng góp của du khách sau mỗi hành trình, anh Trần Quốc Hùng, hướng dẫn viên của Trung tâm Lữ hành Hanoi Redtour đã có nhiều kỷ niệm thú vị với những vị khách lạ mà quen đến từ nhiều nước. Anh kể, trong những dòng tâm sự gửi cho anh, nhiều du khách nước ngoài đã viết: "Mảnh đất Việt Nam rất đẹp. Mỗi người nên đến đây ít nhất một lần trong đời". Nhiều du khách còn kể tỉ mỉ về những vùng đất, những con người đáng nhớ trong hành trình khám phá của họ.
Đó là Sa Pa, vùng đất khiến người ta như quên đi mọi cảm giác ưu phiền, những lo toan bộn bề, chỉ còn mây, trời, cảnh sắc lãng mạn và hùng vĩ của "nóc nhà Đông Dương". Đó là những cuộc giao lưu, trò chuyện cùng người dân bản địa để tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc của 6 dân tộc anh em: Kinh, Mông, Dao, Tày, Dáy và Xá Phó. Đó là Vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới có một không hai với nhiều hang động tuyệt đẹp trong lòng các đảo đá như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung… được ví như những lâu đài của tạo hóa giữa chốn trần gian. Rồi là phố cổ Hà Nội. Với nhiều người nước ngoài, khi lần đầu đặt chân đến phố cổ, họ luôn có cảm giác ngại ngần trước sự ồn ào, náo nhiệt, dòng xe như mắc cửi, lo lắng khi lạc giữa những dãy phố ngang dọc mang những cái tên na ná nhau. Nhưng cảm giác ấy nhanh chóng qua đi, thay vào đó là sự yêu thú vị, gần gũi. Ngồi vỉa hè ăn những bát phở nóng hổi, nhâm nhi tách cà phê hay ngồi trên những chiếc xích lô ngắm người qua lại, ngắm những cửa hàng bày bán đồ thủ công mỹ nghệ đầy màu sắc… luôn là trải nghiệm khó quên.
Theo ghi nhận của anh Trần Quốc Hùng, hầu như tất cả du khách nước ngoài đặt chân đến Việt Nam đều rất thích phố cổ Hà Nội. Với họ, chưa đến phố cổ nghĩa là chưa cảm nhận Hà Nội đến tận cùng, cả nét hiện đại và cổ kính. Có du khách bày tỏ sự thán phục: "Đây là lần đầu tiên tôi đến một thủ đô có bề dày lịch sử 1000 năm tuổi. Không phải thành phố nào trên thế giới cũng có số tuổi ấn tượng đó. Hà Nội náo nhiệt, đầy sức sống, không ngừng chuyển động nhưng rất nên thơ, trữ tình".
Bảy lần trở lại
Qua những chuyến hành trình khám phá, những tour du lịch trải nghiệm, du khách nước ngoài đã có được cái nhìn sâu sắc, thêm yêu đất nước và con người Việt Nam.
Một trong những kỷ niệm mà anh Trần Quốc Hùng không thể quên trong cuộc đời làm hướng dẫn viên của mình, đó là được gặp và kết bạn với cặp vợ chồng cựu sĩ quan Mỹ Cheer và nhạc sĩ Mỹ Rufino Zaragoda. Đây là những "khách hàng ruột" của Hanoi Redtour, đồng thời là khách vip của ngành du lịch nước ta.
Có "thâm niên" bảy lần đến Việt Nam, ông bà Cheer nhận ra mảnh đất hình chữ S đang "thay da, đổi thịt" hằng ngày, hằng giờ. "Những đặc điểm về thiên nhiên và con người đã tạo cho mỗi vùng, miền của Việt Nam có được những nét độc đáo riêng về phong cảnh, khí hậu và văn hóa sinh hoạt. Đất nước của các bạn thật đẹp, thật thanh bình và thực sự giàu tiềm năng phát triển du lịch. Chính vì vậy, trong các kỳ nghỉ hằng năm, chúng tôi đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân", đó là những dòng tâm sự của ông bà Cheer được Hanoi Redtour sau ghi lại.
Không chỉ khám phá Việt Nam như một du khách bình thường, nhạc sĩ Rufino Zaragoda cảm nhận đất nước châu Á xa xôi bằng cả tâm hồn và trái tim của người nghệ sĩ. Với Rufino Zaragoda, quãng thời gian ở Việt Nam đầy ắp kỷ niệm đẹp, những điều không thể quên trong cuộc đời ông. Trước đây, ông chỉ biết đến mảnh đất này qua lời giới thiệu của những người bạn Việt Nam sống trên đất Mỹ và nhờ vào việc tìm hiểu một số nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn tranh… Khi đến đây rồi, không chỉ "mê" đất nước và con người nơi đây, nhạc sĩ Rufino Zaragoda đã dịch nhiều bài hát tiếng Việt sang tiếng Anh, kết hợp thành công nhiều loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam với piano…
Ngành du lịch được ví như chiếc cầu nối đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới, giúp bạn bè thế giới biết đến mảnh đất hình chữ S. Sứ mệnh ấy đặt lên vai những người làm du lịch trọng trách nặng nề: làm thế nào để ngày càng thu hút du khách quốc tế nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.